'Doanh nghiệp Việt thiếu kết nối nội bộ, chưa đánh giá được rủi ro khi tiếp cận đơn hàng ngoại'

Việt Anh - 25/09/2020 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ tại diễn đàn sáng 25/9, ông Lukas Quang Trần, chuyên gia tư vấn quy chuẩn sản phẩm cho rằng một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là sự thiếu kết nối nội bộ và chưa đánh giá được những yếu tố rủi ro khi tiếp cận đơn hàng từ nước ngoài.

VNF
'Doanh nghiệp Việt còn thiếu sự kết nối nội bộ, chưa đánh giá được rủi ro khi tiếp cận đơn hàng nước ngoài'

Phát biểu tại diễn đàn "Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ năm 2020", tổ chức sáng 25/9, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ đã phát triển không ngừng. Trong vòng 10 năm qua, giá trị thương mại hai chiều đã tăng gần 3,5 lần, từ 28 tỷ USD (năm 2011) lên gần 97 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23 tỷ USD.

Tính riêng 8 tháng từ đầu năm tới nay, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế trong và ngoài nước, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng gần 12%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, có 28 quốc gia châu Mỹ tiếp tục rót vốn FDI vào Việt Nam qua 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,8 tỷ USD.

Ông Hải nhận định, hiện nay dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nền kinh tế toàn cầu còn đang gặp nhiều khó khăn như chuỗi cung ứng đứt gãy, số lượng đơn đặt hàng giảm, thất nghiệp gia tăng thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ còn phải đối mặt với nhiều thách thức như khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ...

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng những khó khăn, trở ngại này lại là cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, những đơn vị biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ: "Nhằm tháo gỡ những trở ngại về địa lý, doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị logistics phù hợp, để giúp sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh được về chi phí và thời gian với dòng sản phẩm khác, bên cạnh yếu tố chất lượng. Mặt khác, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu phong tục, tập quán và nhu cầu sản phẩm của thị trường châu Mỹ, đây là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào khu vực này".

Còn theo chuyên gia tư vấn quy chuẩn sản phẩm Lukas Quang Trần, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy định của các quốc gia nhập khẩu trong khu vực châu Mỹ. Bên cạnh đó, cần xác định chiến lược xuất khẩu và thị trường trọng điểm hướng đến, bởi các tiêu chuẩn mà các quốc gia, các đối tác đưa ra đều có sự khác biệt.

Ông Lukas chỉ ra thêm một điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam mắc phải, đó là thiếu sự kết nối nội bộ, cũng như chưa đánh giá được những yếu tố rủi ro khi nhận đơn hàng từ đối tác nước ngoài.

Nếu các đơn vị nhận đơn hàng, đơn vị sản xuất, các phòng ban nhân sự không có sự phối hợp làm việc với nhau sẽ dẫn đến việc nhận đơn hàng về nhưng năng lực sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được, gây ra mất tuân thủ về chất lượng và tiến độ giao hàng, không đảm bảo trách nhiệm xã hội, mất uy tín với đối tác và cũng mất cơ hội hợp tác", ông Lukas nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác