Dệt may, da giày là 2 ngành khác nhau về dây chuyền, nguyên vật liệu và sản phẩm, nhưng thường được gộp chung bởi nhiều điểm tương đồng về mô hình tổ chức và chuỗi giá trị. Về vai trò kinh tế, đây đều là 2 ngành chiến lược của Việt Nam nhờ tỷ trọng xuất khẩu cao, trong đó ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về sản lượng xuất khẩu trong khi ngành da giày đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc với khả năng cung ứng 1 tỷ đôi giày dép cho thế giới mỗi năm. Những con số đó đủ cho thấy tầm cỡ ngành dệt may - da giày của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Song trên biểu đồ về chuỗi giá trị, ngành dệt may - da giày Việt Nam lại nằm ở đáy chuỗi bởi đây là khâu đoạn sản xuất, phần nhiều do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà xưởng, công nghệ, tư bản và sử dụng đất đai, nhân lực Việt Nam.

Ngành thời trang ở một khía cạnh khác, khá đối nghịch với ngành dệt may - da giày nếu xét theo khía cạnh về chuỗi giá trị. Thời trang là một ngành sáng tạo, nghệ thuật và thương mại. Hoạt động chính của ngành thời trang nằm ở hai đỉnh của chuỗi giá trị, đó là khâu xây dựng ý tưởng sáng tạo, thiết kế tạo mẫu và marketing thương mại, hậu mãi. Ngành thời trang chủ yếu xoay quanh yếu tố về sản phẩm quần áo, phụ kiện cùng câu chuyện thương hiệu, bài toán truyền thông tạo dựng hình ảnh.

Ngành thời trang và ngành dệt may - da giày không phải 2 ngành tách biệt mà có quan hệ mật thiết với nhau. Ngành thời trang xây dựng ý tưởng, sáng tạo, thiết kế làm đầu vào cho ngành may mặc - da giày cung ứng nguyên phụ liệu, gia công sản xuất và tiến hành hoạt động logistic cung ứng cho khâu đoạn marketing, thương mại, bán lẻ của ngành thời trang.

Từng có những thời điểm, ngành thời trang phụ thuộc vào hoạt động của ngành may mặc - da giày, khi mà những nhà mốt thực hiện hoạt động sáng tạo, thiết kế dựa trên những nguyên phụ liệu sẵn có, cũng như phụ thuộc vào năng lực, kỹ thuật gia công sản xuất của của ngành may mặc da giày.

Ngày nay, sự phụ thuộc này có nhiều thay đổi khi ngày càng nhiều các công ty gia công sản xuất thực hiện những đơn hàng dựa theo nhu cầu của các hãng thời trang. Tuy nhiên, sự phụ thuộc dù theo chiều nào cũng ngày càng tạo ra mối quan hệ liên hoàn, bền chặt giữa 2 ngành này, khiến 2 ngành tuy khác biệt nhưng lại hoàn toàn thống nhất như 2 mặt của một đồng tiền.

Ngành dệt may - da giày là 2 ngành kinh tế lớn của Việt Nam nhờ tỷ trọng xuất khẩu lớn hàng đầu thế giới. Cả hai ngành này tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, mang về nguồn thu thuế lớn cho các địa phương. Những khu vực xây dựng khu chế xuất, công nghiệp kéo theo sự phát triển của hạ tầng vật chất và dịch vụ. Chưa kể đến ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những khu công nghiệp dệt may - da giày cũng được thúc đẩy đi lên.

Ngược lại, ngành thời trang của Việt Nam là một ngành rất mới, được hình thành đâu đó trong khoảng 20 năm trở lại đây nhờ vào những thành tựu của Đổi mới và đặc biệt là hội nhập. Trong quá khứ, Việt Nam không có một thị trường thời trang đúng nghĩa. Những sản phẩm được cung ứng bởi các xí nghiệp, công ty dệt may nhà nước chỉ đơn giản là quần áo, giày dép phục vụ nhu cầu ăn mặc của nhân dân, trong khi những sản phẩm có yếu tố thời trang chủ yếu đến từ Trung Quốc, thậm chí là hàng cũ từ châu Âu, Nhật Bản mà thế hệ những năm 1980, 1990 gọi là hàng “si-đa”.

Đến những năm 2000, nhờ vào mở cửa, hội nhập, Việt Nam dần xuất hiện những công ty thời trang đúng nghĩa: đó là cung ứng các sản phẩm thời trang có mẫu mã hiện đại, phù hợp xu hướng thị trường, nhằm phục vụ nhu cầu “mặc đẹp” của người tiêu dùng. Sau hơn 20 năm phát triển, ngành thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển. Chúng ta giờ đây đã có những thương hiệu nhà thiết kế, thương hiệu nhà mốt, thậm chí cả thương hiệu cao cấp, cận xa xỉ với định vị, chất lượng không thua kém bất cứ thương hiệu ngoại quốc cùng phân khúc nào.

Hai ngành dệt may - da giày và thời trang, như tôi đã chia sẻ, là 2 mặt của 1 đồng tiền, luôn song hành và bổ trợ cho nhau. Trong quá khứ và ngay cả hiện tại, ngành dệt may - da giày vẫn là ngành kinh tế mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế, xã hội hơn cả.

Tuy nhiên, về dài hạn, những ngành sản xuất gia công nằm ở đáy chuỗi giá trị toàn cầu thường nhanh chóng bị lạc hậu và mất lợi thế, đặc biệt là lợi thế nhân công giá rẻ - vốn được xem là sức mạnh của những nền kinh tế mới nổi, đi lên bằng gia công sản xuất. Chưa kể một yếu khác là môi trường, bởi ngành dệt may - da giày làm một trong những ngành có nhiều hoạt động sản xuất dễ gây tổn hại tới sinh thái, chất lượng nguồn nước.

Ngược lại, ngành thời trang lại là ngành mang lại nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển ngành thời trang là một việc khó và không thể mang lại những nguồn lợi lớn và nhanh như ngành dệt may - da giày. Nhưng về lâu dài, việc thúc đẩy ngành thời trang sẽ mang lại nhiều lợi ích bền vững hơn cả.

Đầu tiên phải kể đến là lợi ích về hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Khách hàng tiêu dùng chỉ biết đến đôi giày, chiếc áo họ mặc mang thương hiệu gì, thương hiệu đó có nguyên xứ (country of origin) từ nước nào chứ ít khi để ý tới sản phẩm sản xuất từ đâu (trừ sản phẩm xa xỉ, vốn nằm ngoài phạm vi tiêu dùng thông thường).

Phát triển ngành thời trang sẽ kéo theo sự phát triển của ngành dệt may - da giày. Hiện nay rất nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc, cả về nguyên phụ liệu tới gia công sản xuất.

Trong khi đó, về quy luật thì nếu ngành thời trang phát triển, ngành dệt may - da giày cũng sẽ phát triển theo. Vì thế, nếu ngành thời trang Việt Nam được đầu tư đúng mức, tôi tin rằng, ngành dệt may - da giày cũng sẽ được thử thách, đào luyện để phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. 

Kinh tế thế giới đang gặp nhiều bất ổn khó lường như lạm phát, thiếu hụt năng lượng, khủng hoảng tại Đông Âu. Tuy nhiên, tình hình các đơn hàng của ngành dệt may - da giày Việt Nam đều được tổng kết và dự báo sẽ tăng trưởng vượt bậc là một tín hiệu đáng mừng bởi nhu cầu thời trang của các thị trường quốc tế đang cho thấy sự tăng trưởng.

Mặt khác, Trung Quốc là một công xưởng khổng lồ của thế giới về ngành dệt may - da giày, những gì xảy ra ở quốc gia này đều ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 2 năm đại dịch và cho đến nay với chính sách Zero-Covid, chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ngành dệt may - da giày đều có những xáo trộn, thậm chí là đứt gãy. Đây chính là cơ hội cho những quốc gia lân bang của Trung Quốc, mà Việt Nam nằm ở vị trí thuận tiện nhất cho hoạt động di chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu vốn phụ thuộc vào những công xưởng ở vùng Đông Á.

Viễn cảnh cho ngành dệt may - da giày Việt Nam, theo tôi, rất có triển vọng. Trong ngắn hạn, chúng ta có thể tiếp tục tăng cường những đơn hàng gia công, xuất khẩu nhưng dài hạn, Việt Nam cần hướng tới việc hiện đại hóa chuỗi cung ứng để có thể tiếp nhận nhiều hơn những đơn hàng có giá trị cao về chất lượng, ở phân khúc cao cấp. Mô hình đầu tư xưởng gia công hiện đại, chuyên làm sản phẩm cao cấp đang ngày càng nhiều.

Thậm chí, có những thương hiệu thời trang quốc tế đã đặt hẳn đơn vị nghiên cứu & phát triển (R&D) tại Việt Nam, đủ để thấy sự thay đổi rõ nét trong xu hướng phát triển của ngành dệt may - da giày.

Tôi cho rằng, với đà tăng trưởng và phát triển như hiện nay, ngành dệt may - da giày Việt Nam sẽ sớm thay đổi theo mô hình hiện đại - bền vững để cung ứng những sản phẩm ở phân khúc cao cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì chỉ làm những đơn hàng bình dân có số lượng lớn.

Ngành thời trang đúng nghĩa là một ngành nghệ thuật, sáng tạo mà tác phẩm là những bộ trang phục. Thị trường thời trang Việt Nam khởi sắc trong khoảng 15 năm trở lại đây với sự góp mặt của nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam và chúng ta cũng phải kể đến sự xâm lấn mạnh mẽ từ những thương hiệu thời trang quốc tế với mẫu mã vượt trội và mức giá vô cùng cạnh tranh ở phân khúc bình dân, đại chúng.

Chúng ta cũng hình thành nhiều nhà mốt của các nhà thiết kế trẻ (khác với mô hình nhà may cổ điển). Họ là những người trẻ tuổi, được đi du học về thiết kế tạo mốt bài bản từ Pháp, Ý, Anh, Mỹ và trở về xây dựng thương hiệu của riêng mình. Họ mạnh về sáng tạo nhưng đang học hỏi rất nhiều về sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng. Nhưng đây chính là nhân tố tích cực cho tương lai phát triển của ngành thời trang Việt Nam.

Ngành thời trang Việt Nam muốn phát triển sẽ cần sự đầu tư từ Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, ngành thời trang Việt Nam cần được quy hoạch bài bản, đưa vào chiến lược, kế hoạch phát triển như một ngành kinh tế đúng nghĩa. Những thương hiệu trong ngành thời trang Việt Nam, từ bình dân đến cao cấp cần được hỗ trợ, bảo vệ bởi các cơ quan hữu trách, để người Việt từ chỗ ưu tiên dùng hàng Việt tới chỗ người Việt tự hào dùng hàng Việt, thậm chí là người Việt kiêu hãnh dùng hàng Việt.
Và để làm được điều đó, Việt Nam cần các thương hiệu cao cấp để đi đầu, dẫn dắt thị trường về những tiêu chuẩn sản phẩm, thiết kế. Nó giống như cánh chim đầu đàn của ngành vậy. Chỉ cần một vài thương hiệu thời trang Việt Nam ở phân khúc cao cấp, cận xa xỉ, xa xỉ được đầu tư, bảo vệ đúng mức cho phát triển, tự khắc cả ngành thời trang sẽ điều chỉnh để tự hoàn thiện mà vươn lên.
 

 

Với Giovanni, chúng tôi tự thấy vai trò cầu nối của thương hiệu giữa ngành thời trang và ngành may mặc. Khác với những công ty may mặc vốn tập trung năng lực sản xuất khổng lồ từ 20 năm trước và gần đây mới tham gia vào thị trường thời trang, Giovanni là thương hiệu xây dựng giá trị thương mại với mẫu mã, sản phẩm cao cấp từ Thái Lan, Bồ Đào Nha, Ý từ 17 năm về trước, chúng tôi đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên sản xuất sản phẩm cao cấp, có giá trị cao. Giovanni giúp cho ngành dệt may Việt Nam nâng cao giá trị đóng góp về chất lượng sản phẩm bởi đây là một minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm ra những sản phẩm cao cấp, tinh xảo không thua kém bất cứ hãng hàng hiệu nào trên thế giới.

Với sự hợp tác, song hành cùng những nhà thiết kế, studio sáng tạo hàng đầu thế giới, Giovanni tạo ra những sản phẩm thời trang, sản phẩm truyền thông tương xứng với các hãng toàn cầu. Thương hiệu đang giúp nâng tầm sự cầu kì, khắt khe của người tiêu dùng Việt Nam lên những tiêu chuẩn mới, tiến gần hơn với những chuẩn mực của thế giới. Và từ đó, tôi tin rằng, ngành dệt may và ngành thời trang của Việt Nam cũng sẽ chia sẻ những kết quả mà Giovanni tiên phong mang lại từ 17 năm nay cũng như cùng Giovanni tạo ra một thị trường năng động và hội nhập cùng thế giới.

Ngành thời trang có nhiều phân khúc thị trường khác nhau: đại chúng, cao cấp, xa xỉ. Ở mỗi phân khúc đó, vai trò cung ứng của ngành dệt may - da giày cũng biến đổi tương ứng theo đòi hỏi của từng cấp độ thị trường. 

Những doanh nghiệp thời trang đại chúng cần nguồn cung với số lượng lớn, nhanh, nhiều và rẻ. Vì thế các doanh nghiệp dệt may - da giày phục vụ những doanh nghiệp này đi theo mô hình CMT: cắt, may đơn giản, sử dụng triệt để lợi thế nhân công giá rẻ và các ưu đãi về đầu tư nhà xưởng.

Nhược điểm của mô hình này là khi lực lượng nhân công không còn rẻ nữa, cộng với các đòi hỏi, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các chính sách thay đổi sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư dịch chuyển vị trí, tìm đến những khu vực mới có điều kiện hấp dẫn hơn. Hiện tượng này đang rất phổ biến ở Trung Quốc, khi mà các công ty quốc tế đang tìm tới những quốc gia có chi phí sản xuất rẻ hơn, mà chúng ta hay gọi là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Trong thị trường thời trang cao cấp, xa xỉ, khâu đoạn sản xuất được xem là bước tạo ra nhiều giá trị trong chuỗi cung ứng. Tạo ra một sản phẩm có chất lượng cao đòi hỏi nhiều kĩ thuật, kinh nghiệm của người lao động chứ không đơn giản là việc lắp ráp, cắt ghép thông qua kỹ thuật phổ thông.

Trong ngành thời trang cao cấp, người ta không gọi là gia công, mà gọi sản xuất là chế tác. Ở Ý, mô hình các xưởng chế tác cao cấp đã có và duy trì trong hơn 100 năm qua. Ý được xem là công xưởng sản xuất của thế giới hàng hiệu vì họ có các làng nghề chuyên biệt trong lĩnh vực sản xuất đồ da, may mặc qua hàng chục thế hệ. Nhưng, nhược điểm của mô hình xưởng thủ công này nằm ở quy mô nhỏ, không phù hợp với những quốc gia đang phát triển đòi hỏi quy mô lớn.

Từ nhiều năm trước, tôi đã nung nấu một khát vọng xây dựng một mô hình sản xuất kết hợp giữa cách làm sản phẩm cao cấp của người Ý và tận dụng nguồn nhân lực đang dồi dào và đầy nhiệt huyết của Việt Nam. Từ năm 2015, tôi đã xây dựng xưởng sản xuất sản phẩm thời trang và đồ da cao cấp theo mô hình của Ý: tập trung vào kỹ thuật thủ công để chế tác sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao.

Tới năm 2019, tập đoàn Giovanni tiếp tục khởi động dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp tại Vĩnh Phúc - quê hương của tôi. Bằng việc kết hợp giữa kỹ thuật chế tác thủ công và hệ thống máy móc hiện đại, tôi mong muốn biến Vĩnh Phúc trở thành một vùng kinh tế đặc biệt, có thế mạnh về sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp để thu hút những đơn hàng từ các thương hiệu sang trọng trên thế giới, tạo ra giá trị bền vững cho kinh tế và xã hội nơi đây, thay vì chỉ đơn thuần là tận dụng sức lao động của người dân địa phương.

Mô hình sản xuất thủ công sẽ tạo ra những làng nghề, những thế hệ nghệ nhân ngành da, ngành may mặc có nhiều kinh nghiệm được tích lũy qua năm tháng và truyền dạy cho tương lai. Cùng với đó, hệ thống sản xuất quy mô lớn theo mô hình xanh -sạch - hiện đại sẽ được vận hành bởi những nghệ nhân thủ công, tạo ra một sự kết hợp giữa công nghệ và kỹ nghệ sẽ mang tới năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may - da giày của Việt Nam trong bối cảnh mới.