[Doanh nhân tuổi Hợi] ‘Shark’ Phú: 'Muốn khởi nghiệp phải vượt ải cô đơn'

Hoàng Lan - 07/02/2019 10:39 (GMT+7)

(VNF) - Chấm dứt cuộc đời làm thuê để mở công ty riêng chuyên kinh doanh hàng gia dụng vào năm 2000, phải mất hàng chục năm, ông Nguyễn Xuân Phú (‘Shark’ Phú) mới khiến Sunhouse len lỏi vào hàng triệu căn bếp của người Việt. Nhớ lại hành trình khởi nghiệp của mình, từ mà ‘shark’ Phú nhấn mạnh chính là “cô đơn”.

VNF
Ông Nguyễn Xuân Phú tuổi Tân Hợi (1971)

Từ năm 2017, thông qua chương trình truyền hình thực tế chuyên về kinh doanh và khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Xuân PhúChủ tịch Tập đoàn Sunhouse thu hút sự chú ý của công chúng.

‘Shark’ Phú không chỉ nổi tiếng là "cá mập háu ăn", với những lần xuống tiền kèm theo nhiều điều kiện chắc chắn mà còn trở thành nguồn cảm hứng đối với cộng cộng đồng khởi nghiệp.

Những câu chuyện kinh doanh mà doanh nhân tuổi Tân Hợi (1971) này chia sẻ thường không ồn ào mà thận trọng và đầy chiêm nghiệm.

Để “khởi nghiệp mà không sạt nghiệp”

“Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, người sáng lập phải đối diện với rất nhiều áp lực. Thiếu vốn, thiếu nhân lực, cô đơn, không được động viên… trong khi lại chưa nhận được những kết quả khả quan nào từ thị trường”, ‘shark’ Phú chia sẻ với những người trẻ ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp trong chương trình toạ đàm “Khởi nghiệp nhưng đừng sạt nghiệp”.

Ông Phú cho biết, năm 2017, Sunhouse sản xuất gần 200 mặt hàng gia dụng, đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng (hơn 100 triệu USD). Trong đó, cơ cấu đồ điện gia dụng chiếm 45%, đồ nhà bếp chiếm 30%, và bếp gas chiếm 25%. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, doanh thu thị trường đồ gia dụng của Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 12 tỷ USD.

Phải mất nhiều năm, chịu sự cạnh tranh từ nhiều “ông lớn ngoại” trên thị trường đồ gia dụng như Electrolux (Thuỵ Điển), Haier (Trung Quốc), Muji, Zojirushi (Nhật Bản), cạnh tranh từ hàng giá rẻ Trung Quốc và cạnh tranh từ chính các thương hiệu trong nước như Kangaroo, Happy Cook,  ‘shark’ Phú mới có thể chiếm gần 1% tổng doanh thu thị trường.

Nhưng rốt cuộc, theo ông chủ Sunhouse, cuộc “cạnh tranh” khốc liệt nhất là với chính bản thân mình. “Có bền chí, có đủ đam mê hay không là một trong những cửa ải để thử thách những nhà khởi nghiệp”, ông Phú nói.

Giờ đây, khi đã là ông chủ của một hãng với 7 công ty thành viên và 6 nhà máy, với tổng diện tích hơn 20ha, hơn 1.000 cán bộ công nhân viên, ông Phú nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp cô đơn của mình: "Những ngày đầu tiên, công ty có một mình mình thôi. Cô em gái vừa ra trường, chưa có việc về làm với mình được mấy ngày, chán quá cũng nghỉ. Đến em mình cũng nghỉ thì làm sao người ngoài làm được với mình".

"Trong một môi trường rất buồn, một mình mình đi làm, không có ai xung quanh mình cả, cô đơn vô cùng", Chủ tịch Sunhouse tâm sự.

Nhưng, theo ông Phú, những áp lực bên ngoài đó không đáng sợ. Điều đáng sợ là  người sáng lập mất niềm tin và nản chí.

Vì vậy, ‘shark’ Phú cho rằng để “khởi nghiệp mà không sạt nghiệp” thì người sáng lập không chỉ cần trí tuệ, mà còn phải có đủ năng lượng, đủ sự kiên trì.

“Đừng nghĩ mình giỏi thì mình thành công”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phú khi nhắc đến các yếu tố tạo nên thành công của một startup.

Chủ tịch Sunhouse cho biết “chuyện thành công hay không còn tùy duyên, phụ thuộc nhiều vào thời điểm, vào "thiên thời địa lợi nhân hòa".

"Mình đừng nghĩ mình giỏi thì mình thành công, không phải. Có thể chỉ cần thời điểm mình nhập cuộc sai thôi cũng có thể dẫn đến thất bại. Vậy thì mình hãy bình tĩnh, kiên trì để tiếp tục đi. Thời điểm, thời thế rất quan trọng để một startup thành công", ông Phú chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người khởi nghiệp.

Là “cá mập” xuống tiền trong nhiều thương vụ tại chương trình Shark Tank Việt Nam với các điều kiện đi kèm rất chặt chẽ dành cho startup, ông Phú cho biết trong 10 trường hợp mà ông đầu tư chỉ kỳ vọng 1 trường hợp thành công.

Vì theo ông, để hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là điều rất khó.

Khó khăn là vậy, nhưng “shark” Phú vẫn động viên những ai đang ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp: "Chúng ta cũng đừng có nản khi chúng ta khởi nghiệp mà thất bại. Vì chúng ta nhớ rằng tỉ lệ thất bại là 95% cơ mà".

Cùng chuyên mục
Tin khác