M&A

Doanh thu giảm sút, Adidas phải bán Reebok với giá 2,5 tỷ USD

(VNF) - 15 năm trước, Adidas đã thâu tóm Reebok với giá 3,8 tỷ USD nhằm cạnh tranh với Nike tại thị trường Bắc Mỹ.

Doanh thu giảm sút, Adidas phải bán Reebok với giá 2,5 tỷ USD

Kinh doanh trì trệ, Adidas phải bán Reebok với giá 2,5 tỉ USD

Theo CNN, ngày 12/8, ông trùm sản xuất đồ thể thao Adidas đã ký một thỏa thuận dứt khoát bán thương hiệu Reebok cho tập đoàn Authentic Brands Group (ABG) với tổng giá trị 2,1 tỷ Euro, tương đương 2,5 tỷ USD. 

Được biết, thoả thuận giữa Adidas và ABG dự kiến sẽ được chốt trong quý I/2022 và Adidas sẽ được trả phần lớn bằng tiền mặt. 

Từ tháng 2 năm nay, Adidas đã có ý định bán thương hiệu Reebok khi bắt đầu quy trình loại bỏ thương hiệu này khỏi tổng công ty. Phía Adidas cho biết kế hoạch này nhằm tập trung mọi nỗ lực vào việc củng cố lại bộ máy của mình trong lĩnh vực đồ thể thao toàn cầu. Hãng hiện nay đã mở rộng thị trường ra cả Mỹ.

"Reebok là một phần quan trọng của Adidas và chúng tôi biết ơn những đóng góp của thương hiệu cũng như đội ngũ đằng sau đã mang lại cho công ty của chúng tôi. Với sự thay đổi về quyền sở hữu này, chúng tôi tin rằng thương hiệu Reebok sẽ có vị thế tốt để thành công lâu dài", ông Kasper Rorsted, giám đốc điều hành của Adidas, chia sẻ.

Vào năm 2006, Adidas đã đặt niềm hy vọng cạnh tranh với Nike ở thị trường Bắc Mỹ vào Reebok khi thương hiệu này có hoạt động kinh doanh đang lên như diều gặp gió và có nhiều thoả thuận với NBA, NFL. 

Tuy nhiên, dưới trướng Adidas, Reebok dường như hoạt động không hiệu quả khi bị đánh giá là không thể bắt kịp xu hướng người tiêu dùng. Thương hiệu này đã đánh mất thị phần vào tay Lululemon, Nike và nhiều thương hiệu khác.

Reebok chiếm gần 7% doanh thu của Adidas tính tới cuối năm 2020 khi công ty này công bố doanh thu của từng thương hiệu, giảm so với mức 18% vào năm 2010.

Ông Neil Saunders, nhà quản lý tại GlobalData Retail, phân tích: "Vấn đề là Adidas chưa rõ ràng trong mục tiêu phát triển của Reebok. Kết quả là họ không những không thể trở thành một thương hiệu thể thao chuyên nghiệp mà còn đánh mất tính thời trang và phong cách thoải mái vốn có".

Ông Kasper Rorsted cho biết việc bán lại Reebok cho ABG là nhằm giúp tập đoàn cắt giảm gánh nặng tài chính và tập trung đầu tư, nghiên cứu sản phẩm cốt lõi, giúp hình ảnh thương hiệu được cải thiện, đồng thời thu hẹp khoảng cách với Nike.

Trong khi đó, giám đốc điều hành ABG, ông Jamie Salter cho biết tập đoàn sẽ hợp tác chặt chẽ với đội ngũ của Reebok để đưa thương hiệu này lấy lại ánh hào quang trong tương lai. ABG đã từng thâu tóm và thành công vực dậy rất nhiều thương hiệu đã phá sản trong những năm gần đây bao gồm Brooks Brothers, Aéropostale và Forever 21.

Xem thêm >> 4 công ty Việt Nam lọt top 100 công ty nhỏ và startup châu Á đáng theo dõi của Forbes

Tin mới lên