Doanh thu ngành công nghiệp ICT đạt hơn 65 tỷ USD trong nửa đầu năm

Ngọc Lưu - 16/07/2021 12:57 (GMT+7)

(VNF) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 65 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 6/2020, doanh thu công nghiệp ICT chỉ tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019).

VNF
Tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 65 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Trong bản dự thảo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tính đến hết tháng 6/2021, tổng số doanh nghiệp công nghệ thông tin đạt khoảng 47.000, số doanh nghiệp công nghệ số là 61.359 doanh nghiệp, tăng 2.982 doanh nghiệp so với cuối năm 2020.

Cụ thể, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 3.119 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp đã giải thể, làm thủ tục giải thể và tạm ngừng trong 6 tháng đầu năm 2021 là 137 doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam tính theo 1.000 dân đến hết tháng 6/2021 là 0,63 (năm 2020 tỷ lệ này là 0,59).

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt gần 65 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 6/2020 doanh thu công nghiệp ICT chỉ tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định điều này dự báo trong năm 2021, ngành ICT sẽ có sự tăng trưởng bứt phá so với năm 2020 và có thể đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP Việt Nam.

Ngành ICT được dự báo sẽ có sự tăng trưởng bứt phá so với năm 2020.

Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 57,6 tỷ USD chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 50,5 tỷ USD chiếm khoảng 31,6% giá trị xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu ước đạt gần 7,7 tỷ USD, dự báo gấp 5 lần giá trị xuất siêu cả nước.

Xuất khẩu 2 nhóm hàng hóa là "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "điện thoại và linh kiện các loại" luôn là 2 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt khoảng 24,5 tỷ USD; giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt 26 tỷ USD.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp ICT đạt khoảng 140 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 14% so với năm 2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đang xây dựng báo cáo đề xuất Luật công nghiệp công nghệ số, gồm các nội dung như tổng kết tình hình thực hiện quy định pháp luật về công nghiệp ICT; phương hướng hoàn thiện pháp luật về công nghiệp ICT; xác định vấn đề bất cập, đề xuất nhóm chính sách và đánh giá tác động; tổng kết kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghiệp ICT);

Từ đó, tạo khung pháp lý để phù hợp với bước phát triển tiếp theo của lĩnh vực ICT là công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và quản lý công nghệ số, sản phẩm số, doanh nghiệp công nghệ số, mô hình mới.

Đây cũng sẽ là pháp luật gốc, làm căn cứ để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động theo quy định.

Với lĩnh vực viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu dịch vụ này đạt gần 66.000 tỷ đồng (tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước).

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá thời gian qua các quy định pháp luật của lĩnh vực viễn thông được các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ, thực hiện khá nghiêm túc, không có những vụ việc hoặc những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Cơ quan này cũng đã cấp phép cho các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Mobifone mở rộng phạm vi thử nghiệm mạng 5G tại các địa phương. Tính đến tháng 5/2021, các doanh nghiệp này đã triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại 7 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng với hơn 300 trạm phát sóng, tốc độ trung bình đạt từ 500-600 Mbps (nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G).

Từ nay đến cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thống kê, đánh giá kết quả thử nghiệm, tổ chức họp với các doanh nghiệp viễn thông để thúc đẩy triển khai các biện pháp sớm thương mại hóa dịch vụ 5G.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý "rác viễn thông", gồm: SIM rác, cuộc gọi rác; ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn...

Cùng chuyên mục
Tin khác