Đốc thúc cả năm, đủ loại biện pháp, Hải Dương mới thu được 1.100 tỷ tiền sử dụng đất
Lệ Chi -
15/12/2023 14:17 (GMT+7)
(VNF) - Đôn đốc thu nộp hàng tháng bằng các hình thức: gọi điện, nhắn tin, phát hành thông báo nợ gửi đến các chủ đầu tư thực hiện dự án, tuy nhiên Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho hay mới chỉ có 4 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất với số tiền đã nộp là 1.103,2 tỷ đồng.
Nhiều biện pháp mạnh để thu tiền sử dụng đất
Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã có báo cáo UBND tỉnh Hải Dương về việc đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Theo Cục Thuế tỉnh Hải Dương, năm 2023, Bộ Tài chính giao dự toán thu nội địa cho tỉnh Hải Dương là 15.155 tỷ đồng, trong đó có 3.700 tỷ đồng là giao thu về tiền sử dụng đất. Kết quả thu toàn tỉnh tính đến hết ngày 25/10/2023 đạt 12.830 tỷ đồng, đạt 84,6% so với dự toán trung ương giao; trong đó, tiền sử dụng đất thu được 2.296 tỷ đồng, đạt 62% so với dự toán trung ương giao.
Liên quan đến công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi nhận được các quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, ngành thuế tỉnh Hải Dương đã kịp thời phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất và thông báo nộp tiền thuê đất gửi đến các chủ đầu tư.
Đồng thời, cơ quan này đôn đốc thu nộp hàng tháng bằng các hình thức: gọi điện, nhắn tin, phát hành thông báo nợ gửi đến các chủ đầu tư thực hiện dự án; phối hợp với cơ quan công an mời làm việc, lập biên bản đối chiếu số nợ về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với từng chủ đầu tư, thông báo số tiền chậm nộp tạm tính đối với từng dự án và nắm bắt những tồn tại, vướng mắc của từng dự án.
Trong đó, với các khoản nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp, bao gồm: DNTN Thương mại Bình Minh, Công ty TNHH TM&XD Thắng Duyến, Công ty TNHH Khánh Hòa VN và DNTN xí nghiệp tư doanh VT Hồng Lạc (trừ một số doanh nghiệp có cam kết nộp trong tháng 10 và tháng 11/2023), thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với một số chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đối với một số dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cơ quan thuế đã thực hiện công khai thông tin nợ thuế trên trang thông tin điện tử của Cục thuế và tiếp tục công khai thông tin trên đài phát thanh, truyền hình của tỉnh.
Về kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho hay, tổng số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp của 33 dự án là 12.311,8 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất là 11.794,5 tỷ đồng; tiền thuê đất là 517,3 tỷ đồng.
Mới chỉ thu được 1.100 tỷ đồng/12.300 tỷ đồng
Đáng chú ý, đến thời điểm báo cáo, mới có 4 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước với số đã nộp là 1.103,2 tỷ đồng, điển hình là: Tập đoàn Thành Công nộp 448 tỷ đồng, Tập đoàn Tây Bắc nộp 174 tỷ đồng, Công ty TNHH Hoàng Thanh nộp 115 tỷ đồng…
Ngoài ra, có 10 dự án đã thực hiện nộp một phần nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước với số tiền đã nộp là 332,6 tỷ đồng. Các dự án còn lại chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước.
Lý giải về một số tồn tại, khó khăn về công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho rằng các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tình hình tài chính do thị trường bất động sản đóng băng, chưa huy động được các khoản vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng dẫn đến chưa có nguồn để thanh toán các khoản nợ về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước.
Mặt khác, một số dự án còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án chưa được xác định kịp thời số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp.
Do đó, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Cục Thuế tỉnh Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án, xem xét trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư, phối hợp với ngành thuế động viên, đôn đốc các chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách.
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh đề nghị các sở, ngành: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện hoàn thiện hồ sơ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất và tiền thuê đất làm căn cứ cho cơ quan thuế xác định lại số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp cho doanh nghiệp, thực hiện ghi thu ghi chi số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của từng dự án;
Bên cạnh đó xác định số tiền sử dụng đất đã tạm tính và nộp của một số dự án của Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Oochomes, Công ty Cổ phần đầu tư DVS Việt Nam… khi phê duyệt tại phương án giá đất lần đầu để tham mưu, điều chỉnh nghĩa vụ còn phải nộp tại phương án giá đất phê duyệt khi giao đất đợt 2,3 cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét, bổ trợ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án tiếp cận các khoản vay để triển khai dự án và nộp các khoản tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp “vỡ trận” vì tiền sử dụng đất
Chia sẻ với VietnamFinance, một vị tổng giám đốc doanh nghiệp bất động sản cho biết, một trong những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay là việc định giá đất để xác định tiền sử dụng đất. Rất nhiều doanh nghiệp “vỡ trận” vì tiền sử dụng đất. Hệ lụy là các địa phương cũng gặp khó trong việc thu ngân sách.
“Nguyên do là chẳng được mấy doanh nghiệp đóng tiền, đa phần đang đi khiếu kiện rồi. Tôi cho rằng Luật Đất đai phải rất rõ ràng về tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này nói.
Ở một góc độ khác, vị tổng giám đốc nhìn nhận rằng thị trường bất động sản bắt đầu khó từ năm 2018, nhưng Luật Đất đai đã có từ 2013. Vậy 5 năm từ 2013 tới 2018, vì sao thị trường vẫn chạy tốt? Và vì sao các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có thị trường bất động sản rất tốt mà nhiều tỉnh khác lại khó khăn?
Theo vị này, đó là vì con người, do cách nhìn nhận và hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay làm nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại, vì quá nhiều thủ tục, tính tiền sử dụng đất rồi lại miễn, riêng quá trình đó mất 2 năm. Có những dự án 8 năm rồi không xong được pháp lý, trong khi chủ trương đầu tư đã có rồi. "Tôi cho rằng lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý", vị tổng giám đốc cho hay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.