Thị trường

Đói khách hụt tiền, tiểu thương loay hoay tìm lối thoát

(VNF) - Thị trường nhiều biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hơn 5 triệu hộ là các tiểu thương, người bán tạp hóa, các hộ buôn bán nhỏ lẻ đang kinh doanh khắp các tỉnh thành cả nước phải đối mặt với thực trạng doanh thu giảm mạnh.

Đói khách hụt tiền, tiểu thương loay hoay tìm lối thoát

Chợ vắng, doanh thu buôn bán giảm mạnh

5h30 sáng bắt đầu dọn hàng, nhưng đến hơn 11 giờ trưa chỉ bán được chưa đến 5kg thịt, xương các loại, bà Nguyệt - chủ một sạp bán thịt lợn tại chợ quận 8 TP. HCM than thở: “Chợ ngày càng ế, hiện nay còn vắng khách hơn năm ngoái. Khách đi chợ ít, người mua ít, mà số lượng mua của mỗi khách cũng giảm xuống nên tiền thu vào mỗi ngày chỉ bằng 50% năm vừa rồi”. Hiện nay, trừ sáng Chủ nhật chợ có vẻ đông khách hơn một chút, còn lại các ngày trong tuần, chủ các sạp bán quần áo, mỹ phẩm, tạp hóa, thực phẩm, rau củ quả… đều trong tình trạng “ngóng chờ khách”.

Kinh tế khó khăn, thẩm thấu trong câu chuyện của các tiểu thương được thể hiện rõ nhất qua sức mua giảm. Trong câu chuyện kể của các chủ sạp, khách quen vẫn ghé mua hàng, nhưng sự tiết kiệm, tiết giảm chi tiêu thể hiện rất rõ qua cách thức khách chọn hàng. Chủ sạp quần áo Phương ở chợ quận 5 kể: “Các mẫu áo thời trang mới cho nữ giới giá trên 1 triệu đồng giờ không thể bán được, khách chỉ mua các mẫu mới, đẹp với mức cao nhất 500.000 - 600.000 đồng thôi, đa phần bán chạy là loại hàng giá trung bình 150.000 - 200.000 đồng/món. Số lượng mua cũng giảm, nếu 1 hóa đơn cho khách quen trước đây trung bình 2 - 3 triệu đồng, thì nay khách chỉ mua mỗi lần tối đa 1 - 1,5 triệu đồng”.

Số lượt mua ít hơn, chi tiêu của khách mua mỗi lần ít hơn, nên doanh số bán hàng của hầu hết các tiểu thương đều trong tình trạng giảm mạnh. Một chủ sạp bán mỹ phẩm tại chợ Bến Thành cho biết tiền lãi (sau khi trừ các khoản thuế, phí) trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua chỉ còn chưa đến 10 triệu đồng, cho sạp 2 người thay phiên trông coi từ sáng đến chiều tối. Với mức này, chủ sạp đã quyết định để người em ra ngoài tìm việc, chỉ giữ 1 người bán trong sạp hàng.

An Đông Plaza, là một trong các chợ thời trang lớn nhất TP. HCM, bình thường luôn tấp nập người ra vào, tất bật cảnh bốc xếp, xuất nhập hàng. Vậy mà giờ đây, hầu hết tiểu thương mỗi ngày chỉ ngồi ngóng khách tới mua. Các đơn hàng sỉ, lẻ đều giảm. Trước đây, sạp quần áo của chị Loan có thể bán được hơn 200 bộ/ngày, giờ đây chỉ còn 10 - 20 bộ/ngày.

Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống khu vực TP. HCM như chợ Tân Định, Rạch Ông, Tân Bình, An Đông, Bến Thành, Phạm Văn Hai… khách đến chợ không còn đông như trước. Tình trạng chợ ế khách, buôn bán thua lỗ khiến cuộc sống của các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề. Đa phần người bán hàng đều thở dài ngao ngán, lo lắng cho tương lai.

Chợ vắng khách là hệ lụy của chuỗi hoạt động kinh tế. Riêng về các doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, có đến 50% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước. Hiện nay, tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự, giữ đơn hàng và trông chờ vào đơn hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán. Doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động, nên sức mua giảm là tất yếu.

Theo chuyên gia của Sở Công Thương TP. HCM, tình trạng tiểu thương chợ truyền thống khó khăn vì ế hàng có nhiều nguyên nhân, như: chịu tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong nước sử dụng nhiều lao động bị suy giảm đơn hàng khiến công nhân giảm việc, mất thu nhập. Các chính sách điều tiết, thắt chặt chi tiêu cũng làm sức mua giảm. Ngoài ra, việc người tiêu dùng ít đến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống hơn còn là một phần xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay.

Loay hoay tìm lối thoát

Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường, cả nước hiện có khoảng 9.000 chợ kinh doanh theo kiểu truyền thống và khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, chiếm 75% doanh thu của toàn bộ thị trường bán lẻ. Chỉ riêng TP. HCM đã có 234 chợ truyền thống với hàng trăm nghìn người tham gia vào việc buôn bán.

Theo chuyên gia Chinh An của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tình trạng chợ vắng khách đã được dự báo từ trước, do sức cạnh tranh mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại ngày càng cung cấp nhiều tiện ích và giá cạnh tranh với nhiều ưu đãi, khuyến mãi liên tục. Bên cạnh đó, các kênh bán hàng trực tuyến, cửa hàng tạp hóa liên tục áp sát người tiêu dùng, mang đến cho người mua mặt hàng đa dạng, thanh toán dễ dàng, cách thức mua sắm thoải mái…

Vị chuyên gia cũng chỉ ra, muốn thu hút người mua, các chủ sạp phải thay đổi, phải hiện đại hóa cách bán hàng, không gian trưng bày hàng, số hóa cách tiếp cận khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt… Nói cách khác, hiện nay người mua hàng, người tiêu dùng đang bị các kênh bán lẻ hiện đại lôi cuốn theo trào lưu chuyển đổi số, thì tiểu thương muốn giữ chân khách hàng cũng phải thay đồi mạnh mẽ đáp ứng theo cung cách mua hàng mới.

Thế nhưng có một thực tế là hàng nghìn tiểu thương đang loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn là muốn thay đổi thì phải có tiền để đầu tư cái mới, nhưng doanh thu buôn bán giảm mà chi phí đời sống hàng ngày lại tăng lên, buộc họ đang phải chi tiêu “thâm” vào cả đồng vốn. Có thể nói, doanh thu giảm mạnh đang đẩy nhiều chủ sạp vào tình trạng thiếu vốn xoay xở. Cộng thêm việc lãi suất ngân hàng đang ở mức khá cao cũng đẩy lãi suất cho vay ở “kênh chợ” lên theo, khiến các chủ sạp không dám vay vốn đầu tư cho các hoạt động kiến tạo sự thay đổi.

Bà Kim, buôn bán quần áo trẻ em tại chợ Tân Bình (TP. HCM) được một người bạn rủ đầu tư mua hẳn xưởng may công nghiệp và bao luôn các lô nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc để khép kín từ khâu sản xuất cho đến bán hàng. Tổng chi phí bao gồm máy móc, nhân công, thuê mặt bằng, bà Kim bỏ ra khoảng 500 triệu đồng. Nhưng với lãi vay “kênh chợ” hiện nay là 5%/tháng (tín chấp), mà doanh thu lại đang giảm gần một nửa, hàng sản xuất ra có nguy cơ bị tồn kho rất lớn, nên bà Kim ngần ngừ không dám vay để đầu tư. Bà Kim cho rằng, nếu chỉ là 1% hoặc 1,5%/tháng, gắng gồng trong vài tháng đến mùa tựu trường nhu cầu quần áo đồng phục học sinh tăng vọt, rồi kế đến là mùa Tết thì sức mua sẽ tăng dần, chi phí bỏ ra có thể thu bù lại được. Nhưng vay “kênh chợ” theo lãi suất thị trường bên ngoài nên sẽ không thể có lãi.

Nhiều chủ sạp quần áo, giày dép khác cũng đang được các doanh nghiệp mời chào mua các lô hàng “chất lượng cao” từ các dây chuyền đạt chuẩn xuất khẩu, với mức giá khá thấp, điều kiện là phải thanh toán ngay bằng tiền mặt để doanh nghiệp có dòng tiền tiền trả cho đối tác, trả lương công nhân. Cơ hội mua được nguồn hàng giá tốt, có khả năng bán giá thấp hơn bạn hàng trong chợ là hiếm có, nhưng các chủ sạp này vẫn không ôm hàng chỉ bởi sức mua đang thấp mà vốn thì đã cạn.
 

Tin mới lên