Đội mưa đi mua vàng bình ổn giá: Cách nào để dân chán ôm vàng?
Khánh Tú -
06/06/2024 06:30 (GMT+7)
(VNF) - Trong những ngày vừa qua, hình ảnh người dân chen chúc đi mua vàng giá bình ổn không còn xa lạ. Giá vàng bước đầu được bình ổn nhưng tâm lý "ôm vàng" của người dân xem chừng vẫn chưa thể bình ổn.
Rẻ cũng xếp hàng, đắt cũng xếp hàng
Trong hai ngày qua, câu chuyện “mua vàng giá bình ổn” trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn. Sức nóng từ vàng giá bình ổn khiến những người từng chẳng mảy may quan tâm đến vàng cũng phải vội đến ngân hàng để mua một vài lượng cho yên tâm. “Vàng đang rẻ, tranh thủ mua một tí cho rực rỡ”, người đàn ông hào hứng nói chuyện với đám đông.
Chiều 4/6, hàng trăm người chen chúc nhau tại Agribank chi nhánh Láng Hạ với mong muốn được là người may mắn. Thế nhưng, ngay cả những người đến xếp hàng từ 6h sáng, cơ hội mua được vàng giá bình ổn vẫn rất mong manh, bởi họ còn phải cạnh tranh với những người đã xếp hàng và lấy số từ hôm qua.
Mặc cho nhân viên ngân hàng liên tục trấn an mọi người rằng “vàng còn rất nhiều, bà con cứ yên tâm” nhưng trước sự lấp lánh của vàng, chẳng mấy ai để lọt tai lời của anh nhân viên. Bởi theo lý lẽ của một khách hàng đứng gần đấy là “chẳng ai biết ngân hàng bán vàng giá bình ổn trong bao lâu nên cứ phải nhanh chân mua trước thì mới yên tâm được”.
Theo quy định của ngân hàng, mỗi lượt vào đợi mua là 40 người. Đám đông tiếp tục xô đẩy, chen lấn, mong mình là 1 trong 40 người đó. Đám đông hỗn loạn đến mức một khách hàng nào đó phải kêu lên “đừng chen nữa, không thở được rồi”.
“Giờ đi mua vàng không chỉ cần tiền, mà còn cần may mắn nữa. Chắc tôi không có duyên với vàng giá bình ổn”, một người mua vàng ngán ngẩm vì đi từ qua đến giờ vẫn chưa mua được vàng.
Trái lại, cũng có số ít người tỏ ra khá bình tĩnh. “Trước vàng SJC lên 92 triệu đồng/lượng, tôi cũng đi xếp hàng để mua. Vàng đắt cũng xếp hàng, vàng rẻ cũng xếp hàng, xếp nhiều rồi thành quen”, anh Tiến (Láng Hạ, Hà Nội) nói.
Đến các điểm bán vàng giá bình ổn mới thấy những câu chuyện có phần… lạ đời. Có những gia đình huy động cả vợ chồng con cái đi xếp hàng mua để tăng cơ hội, có những nhân viên xin nghỉ làm cả ngày để đi mua và cũng có cả những cụ già kệ nệ ôm tiền đến mua vàng. Không ít người sáng dậy từ sớm, trưa không kịp ăn đã chạy vội đến ngân hàng vì sợ hết vàng.
Có lẽ, khi chưa cầm được lượng vàng giá bình ổn nào trên tay, những khách hàng này khó có thể ăn ngon, ngủ yên. Khi giá vàng tạm thời bình ổn, không còn “nhấp nhổm” thì lại đến lượt người mua đứng ngồi không yên.
Bao giờ dân chán vàng?
Sau nhiều nỗ lực của nhà điều hành, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được thu hẹp. Từ mức chênh 20 triệu đồng/lượng, nay con số này chỉ còn ở khoảng 8 triệu đồng/lượng.
Mục tiêu “thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới” của NHNN bước đầu thành công. Thế nhưng, mục tiêu “bình ổn thị trường vàng” có lẽ vẫn còn đang dang dở. Chừng nào người dân còn xếp hàng dài mua vàng, chừng đấy mục tiêu bình ổn thị trường vẫn còn xa tầm với.
Những rủi ro mang tính vĩ mô của việc để tiền chảy vào vàng như dễ gây lạm phát, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, tăng tình trạng buôn lậu vàng rõ ràng không phải là mối quan tâm chính của nhiều người dân.
Không thể bắt người dân phải quan tâm đến điều này, cũng không thể bắt người dân mua vàng ít lại, để tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Vậy làm sao để người dân “chán vàng”?
Nhu cầu mua vàng, tích trữ vàng của người dân là chính đáng khi các kênh đầu tư quen thuộc của người Việt, bao gồm gửi tiết kiệm và bất động sản đều đang ì ạch và gần như khó có thể sinh lợi cao. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để người dân thờ ơ với vàng, nền kinh tế phải đi lên. Khi kinh tế đi lên, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán khởi sắc, vàng sẽ không còn hấp dẫn nữa.
“Muốn bình ổn thị trường vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình để đầu tư nhằm sinh lợi ra lợi nhuận. Khi lợi nhuận từ việc đầu tư lớn hơn lợi ích từ việc nắm giữ vàng thì người có tiền sẽ không còn mặn mà với vàng nữa”, một chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hãy để thị trường vàng tự thân vận động. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ giống như nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế, không cần phải phản ứng quá với thị trường vàng.
“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.