Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Tại cuộc họp bất thường năm 2021, đại hội đồng cổ đông Investco đã có quyết nghị thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, Investco dự kiến chào bán 180 triệu cổ phiếu với giá ngang mệnh giá. Nếu thương vụ tăng vốn diễn ra theo kì vọng, doanh nghiệp sẽ nâng vốn điều lệ lên 2.008 tỷ đồng, gấp 10 lần hiện tại.
Với phương thức chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược và dựa trên một số tiêu chí nhất định, đại hội đồng cổ đông đã quyết định nhà đầu tư được lựa chọn chào bán toàn bộ số cổ phần nêu trên là Xây lắp 6. Lô cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Ban lãnh đạo Investco cho biết, với tổng số tiền dự kiến huy động là 1.800 tỷ đồng (trong trường hợp bán hết), doanh nghiệp sẽ dùng để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung cho hoạt động kinh doanh, ổn định nguồn vốn, tăng cường hiệu quả kinh doanh và tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông Investco cũng thông qua chủ trương điều chỉnh số liệu sổ sách kế toán, bao gồm việc xóa nợ các khoản nợ phải thu khó đòi và chuyển các khoản phải trả thành thu nhập khác, đã được HĐQT kiến nghị trong tờ trình số 06.
Cụ thể, ban lãnh đạo Investco muốn điều chỉnh giảm khoản phải thu với số tiền hơn 17,2 tỷ đồng không thu được hoạch toán vào khoản lỗ của doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân là do các công trình giao khoán các đội, xí nghiệp, công ty liên kết thi công bị phạt tiến độ, các công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước bị kiểm toán, thanh tra xuất toán... chưa hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ chứng từ hạch toán giảm và nhiều năm không đối chiếu số dư.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng điều chỉnh giảm khoản phải trả với số tiền hơn 20,6 tỷ đồng, do nhiều năm không đối chiếu, không liên hệ giải quyết công nợ hoạch toán vào khoản thu nhập khác.
Một nội dung đáng chú ý khác, đó là đại hội đồng cổ đông cũng thông qua việc triển khai thực hiện dự án khu dân cư Investco Green City và hợp đồng đặt cọc tham gia hợp tác kinh doanh dự án Investco Green City với Công ty Cổ phần Việt Remax.
Dự án tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM này có diện tích 12,5 ha được quy hoạch để trở thành một khu dân cư hoàn chỉnh, bao gồm 51 biệt thự, 76 nhà liền kề, 923 căn hộ và khả năng dung nạp 3.385 người dân, nằm cách khu dân cư Phú Mỹ Hưng 1,5km.
Theo tìm hiểu, Việt Remax được thành lập vào ngày 8/2/2010, địa chỉ trụ sở chính đặt tại 259 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM. Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 130 tỷ đồng.
Việt Remax được sáng lập với số vốn 100 tỷ đồng, từ 3 cổ đông bao gồm Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB AMC) với tỷ lệ sở hữu 75% vốn, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) sở hữu 5% vốn và 20% vốn còn lại thuộc sở hữu của ông Phạm Hải Tùng.
Trong giai đoạn từ tháng 11/2016 - 1/2018, Việt Remax chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty TNHH với chủ sở hữu được thay đổi từ Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand) sang Công ty Cổ phần VIG đầu tư (VIG Invest). Người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc mới là ông Phạm Quang Thắng, sinh năm 1973.
Về VIG Invest, doanh nghiệp này được thành lập tháng 2/2011, vốn điều lệ 200 tỷ đồng và được sáng lập bởi 3 cổ đông là Nguyễn Việt Dũng (sở hữu 20% vốn), Vũ Quang Huy (20% vốn) và Phạm Văn Trang (60% vốn). Đến cuối năm 2017, ông Huy và ông Trang thoái toàn bộ vốn, trong khi đó ông Dũng cũng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 15%.
Tháng 4/2019, ông Dũng nhường lại vị trí chủ tịch HĐQT cho ông Nguyễn Duy Tưởng, doanh nhân sinh năm 1980. Thời điểm đó, ông Tưởng vừa xin rút khỏi ghế chủ tịch HĐQT Investco và tại cuộc họp bất thường nêu trêu, ông Tưởng tiếp tục từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT tại doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Xây lắp 6 được thành lập vào cuối tháng 7/2005. Trải qua gần 2 thập kỉ phát triển, doanh nghiệp của chủ tịch HĐQT Phạm Tấn Linh (sinh năm 1974) có vốn điều lệ 320 tỷ đồng.
Đại bản doanh của Xây lắp 6 đặt ở số 152/1A Nguyễn Văn Thương, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Đây là tòa nhà Him Lam Land, trụ sở chính của Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, doanh nghiệp thành viên thuộc tập đoàn Him Lam.
Mối quan hệ giữa Xây lắp 6 và Địa ốc Him Lam khá thân thiết và có nhiều nét tương đồng. Cụ thể, cuối tháng 6/2019, Xây lắp 6 công bố phát hành thành công 197 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất năm đầu tiên là 10%/năm, các năm tiếp theo được tính bởi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hoàn Kiếm cộng biên độ 3%/ năm.
Tổ chức mua trọn lô trái phiếu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HoSE: CTS).
Lô trái phiếu được đảm bảo bởi 5,4 triệu cổ phần, tương đương 54% vốn điều lệ của Việt Remax (đối tác của Investco tại dự án Investco Green City) với tổng giá trị được định giá theo chứng thư thẩm định số 290502/2019/CTTĐG-NVC ngày 29/5/2019 do Công ty TNHH Thẩm định giá Nam Việt ban hành là 478,8 tỷ đồng, tương ứng 88.670 đồng/cổ phần.
Trong đó, 14,5% thuộc sở hữu của Địa ốc Him Lam, 14% thuộc sở hữu của cổ đông cá nhân Bùi Thị Hương và 25,5% thuộc về Xây lắp 6.
Đáng lưu tâm, đó là hồi đầu tháng 6/2019, Địa ốc Him Lam cũng huy động thành công đúng bằng 197 tỷ đồng trái phiếu cho CTS với kỳ hạn và cách tính lãi suất tương tự Xây lắp 6.
Tài sản đảm bảo ngoài 110,5 triệu cổ phần Địa ốc Him Lam của ông Dương Công Đoàn, còn có 2,55 triệu cổ phần Việt Remax thuộc sở hữu của doanh nghiệp, cũng được định giá 88.670 đồng/cổ phiếu. Mục đích của đợt phát hành này là để mua cổ phần của chính Việt Remax.
Ngoài ra, từ năm 2016, Him Lam và Xây lắp 6 đã hợp tác triển khai dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu quy mô 497.649 m2 tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Về tình hình kinh doanh, theo tài liệu mà VietnamFinance có được, những năm qua Xây lắp 6 đang cho thấy dấu hiệu lao dốc.
Giai đoạn hoàng kim của Xây lắp 6 bắt đầu từ năm 2017, khi doanh số tăng mạnh mẽ gấp 10 lần năm trước lên mức 36 tỷ đồng. Sang năm kế tiếp, doanh thu của Xây lắp 6 tiếp tục tăng trưởng, nhảy vọt lên 288 tỷ đồng (gấp 8 lần cùng kỳ).
Tuy nhiên, đến năm 2019, doanh số mà Xây lắp 6 đem về nhanh chóng giảm còn gần 15 tỷ đồng, giảm đến 95% so với 2018.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng vì vậy mà giảm sâu, từ mức 23,3 tỷ đồng (năm 2018), xuống còn vẻn vẹn 2,5 tỷ đồng (năm 2019) - con số này còn thấp hơn so với thực đạt năm 2016 gần 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, tổng tài sản của Xây lắp 6 trong giai đoạn này vẫn giữ được đà tăng liên tiếp, trung bình tăng hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm, đến năm 2019 đạt 7.646 tỷ đồng.
Đối ứng bên nguồn vốn, sự nảy nở này chủ yếu đến từ nợ phải trả, do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ dao động khoảng 200 - 350 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Xây lắp 6 lên đến hơn 20 lần.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.