Đối thoại ngành ô tô: VAMA ‘đòi’ Chính phủ mời các nhà cung cấp chính tham gia

Lê Ngà - 19/06/2018 16:39 (GMT+7)

(VNF) - Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị Chính phủ cần mời các nhà cung cấp chính tham gia vào cuộc đối thoại về ngành ô tô.

VNF
VAMA ‘hiến kế’ để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Sản xuất xe CKD và linh kiện trong nước “khó khăn chồng khó khăn”

Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản gửi Cục công nghiệp, Bộ Công thương về việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Theo VAMA,  từ năm 2018 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với xe ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế suất về 0%. Đây là một thách thức lớn và đe dọa sự tồn tại của công nghiệp ô tô trong nước.

Ở thời điểm hiện tại, việc sản xuất xe CKD và linh kiện trong nước gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố tác động. Đầu tiên phải kể tới việc bất lợi vì sản lượng thấp, chưa đạt tính kinh tế của quy mô. Thứ hai là thị trường biến động nhiều trong quá khứ. Thứ ba là các linh kiện đòi hỏi có sự đầu tư cao (đặc biệt là máy móc, khuôn và đồ gá).

VAMA chỉ ra rằng việc đầu tư này khiến cho độ khấu hao trên mọi linh kiện sẽ cao và làm cho linh kiện nội địa có chi phí cạnh tranh kém hơn so với linh kiện nhập khẩu. Điều này dẫn đến thực tế là không có nhiều nhà cung cấp có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam và cung cấp linh kiện cho các hãng lắp ráp ô tô trong nước.

Theo VAMA, đã có một vài dự án FDI lớn đầu tư vào khu chế xuất (EPZ) để sản xuất linh kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, để mua các linh kiện từ khu chế xuất này, các nhà sản xuất ô tô phải trả thuế nhập khẩu tương tự như việc nhập khẩu ở nước ngoài. Điều này làm cho chi phí linh kiện tăng hơn, chưa kể nhiều linh kiện này được sản xuất phục vụ thị trường nước ngoài không phù hợp với nhu cầu của các hãng sản xuất ô tô trong nước.

Ngoài ra, do không có sẵn nguyên liệu và linh kiện trong nước, các nhà sản xuất phụ tùng lớn hơn và các nhà sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài, làm phát sinh chi phí logistic, chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu.

Các chi phí này khiến cho chênh lệch giữa chi phí sản xuất trong nước và chi phí sản xuất xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia càng lớn, lên đến 20%. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước yếu đi kể từ thời điểm năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0%.

VAMA cũng chỉ ra rằng hiện năng lực đáp ứng yêu cầu chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD) của nhà cung cấp trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Chưa hết, VAMA nhận xét Việt Nam còn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về các nhà cung cấp ô tô chưa đầy đủ và chi tiết về năng lực sản xuất, hoặc không được cập nhật thường xuyên khiến cho các nhà sản xuất mất nhiều thời gian và nổ lực để tìm ra một nhà cung cấp phù hợp trong rất nhiều nhà cung cấp với năng lực QCD khác nhau.

VAMA “hiến kế” để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam

VAMA cho rằng để phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô cần thực hiện giải pháp đồng bộ 3 nhóm chính sách trụ cột chính.

Thứ nhất, nhóm chính sách nhằm duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường, gồm cả các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường (như phát triển cơ sở hạ tầng hoặc nổ lực để đạt được sự ủng hộ của công chúng,…). Các bộ ngành liên quan cần phải phối hợp đồng bộ, nhất quán, cùng một định hướng  nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.

Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Chính sách hỗ trợ này phải đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo bản quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đã được phê duyệt, đồng thời đảm bảo việc đối xử công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam, phù hợp với lộ trình triển khai và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Cuối cùng là nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp (như chương trình đào tạo các nhà cung cấp, hỗ trợ đầu tư khuôn và đồ giá,…).

Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá. Tiếp đến, Chính phủ cần mời các nhà cung cấp chính tham gia vào cuộc đối thoại về ngành ô tô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng, sau đó cần báo cáo Thủ tường thường xuyên hơn để cải thiện tính khả thi của chính sách ban hành.

Còn đối với các nhà cung cấp linh kiện, VAMA kiến nghị các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 không nên đặt  tham vọng “nhảy cóc” lên thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn mà nên tập trung đáp ứng các yêu cầu về QCD. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nên tham gia các chương trình kết nối cơ sở dữ liệu và kinh doanh, xây dựng thông tin giới thiệu công ty đầy đủ và hấp dẫn.

Cuối cùng về phía các nhà sản xuất ô tô, VAMA hứa hẹn sẽ tiếp tục cung cấp các hướng dẫn về việc tuyển chọn nhà cung cấp, các điều kiện tuyển chọn và danh sách các linh kiện có kế hoạch nội địa hóa để các nhà cung cấp tiềm năng cân nhắc. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng cơ hội tuyển chọn nhà cung cấp, không phân biệt các nhà cung cấp có vốn đầu tư nước ngoài hay nhà cung cấp trong nước.

Xem thêm: VAMA kiến nghị hoãn quy định siết nhập khẩu ô tô ít nhất 6 tháng

Cùng chuyên mục
Tin khác