Tài chính

Đón sóng nhóm ngành: Nhận diện hướng dòng tiền luân chuyển

(VNF) - Việc hiểu các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra chiến lược đầu tư vào các nhóm ngành một cách đúng đắn và tối đa hóa hiệu quả. Không chỉ vậy, chính diễn biến giá cổ phiếu của các nhóm ngành cũng là tín hiệu quan trọng giúp xác định chu kỳ kinh tế và chu kỳ của thị trường chứng khoán.

Đón sóng nhóm ngành: Nhận diện hướng dòng tiền luân chuyển

Đón sóng nhóm ngành: Nhận diện hướng dòng tiền luân chuyển

Trong pha mở rộng của chu kỳ kinh tế, các doanh nghiệp đi lên từ vùng đáy và liên tục phát triển, việc làm đang tăng lên, thu nhập và chi tiêu tăng lên và giá cổ phiếu cũng tiến triển tốt.

Theo nghiên cứu của Fidelity, giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế ghi nhận hiệu suất đầu tư cao nhất. Kể từ năm 1962, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng lợi nhuận trung bình hơn 20% mỗi năm trong giai đoạn này. Các lĩnh vực trong nền kinh tế thường được hưởng lợi nhiều nhất từ bối cảnh lãi suất thấp và nền kinh tế tạo đáy rồi dần dần đi lên. Theo đó, các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản, cho thấy hiệu suất tốt một phần nhờ vào việc giảm lãi suất và giảm chi phí đi vay. Một số lĩnh vực cụ thể liên quan tới người tiêu dùng như ô tô hay đồ gia dụng cũng có thể tăng trưởng tốt trong giai đoạn này.

Trong khi đó, cổ phiếu các lĩnh vực như công nghiệp và công nghệ thông tin lại được thúc đẩy bởi các dự đoán về sự phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực cho thấy sự tụt hậu trong pha mở rộng của chu kỳ là các cổ phiếu y tế/chăm sóc sức khoẻ hoặc các cổ phiếu tiện ích (điện, nước…), vì các ngành này có tính bền bỉ trong suốt cả chu kỳ, nên không mấy tạo ấn tượng trong thời kỳ tăng trưởng.

Ở giai đoạn cuối của pha mở rộng, nhà đầu tư thường ở trong trạng thái “hưng phấn thái quá”, khi họ trở nên quá nhiệt tình với giá cả và tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng. Điều này khiến giá cổ phiếu tăng đến mức không bền vững và được định giá quá cao so với giá trị thực.

Trong giai đoạn này, nhóm ngành dẫn dắt thị trường thường là cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý rằng nếu giá cổ phiếu năng lượng được thúc đẩy bởi giá dầu tăng mạnh thì đây có thể là tín hiệu xấu cho thấy pha mở rộng sắp kết thúc, bởi lo ngại lạm phát có thể khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ.

Khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế, các lĩnh vực có xu hướng phòng thủ - những lĩnh vực mà doanh thu gắn liền với nhu cầu cơ bản hơn và ít nhạy cảm hơn với nền kinh tế - thường hoạt động tốt, chẳng hạn các cổ phiếu y tế/chăm sóc sức khoẻ, hàng tiêu dùng thiết yếu và trong một số trường hợp còn bao gồm cả cổ phiếu bất động sản.

Ngược lại, các cổ phiếu công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn này, do áp lực lạm phát làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận, và các nhà đầu tư rời khỏi các lĩnh vực nhạy cảm nhất với kinh tế.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành tài chính, nhất là ngân hàng, cũng dễ bị tổn thương trong bối cảnh nền kinh tế gặp trục trặc, nhất là khi ngành bất động sản diễn biến bất lợi.

Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng dễ chịu áp lực giảm sâu trong giai đoạn này do nhóm này thường có rủi ro cao hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn, nền tảng tài chính và vị thế cạnh tranh vững chắc, chia cổ tức đều đặn. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng chính là cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội khi thị trường chứng khoán đi lên từ vùng đáy và nền kinh tế sắp thoát khỏi suy thoái để chuyển sang pha mở rộng.

Tin mới lên