Dồn ứ dòng tiền triệu tỷ đồng, ngân hàng phải cắt bớt lãi cao

Trần Thủy - 12/05/2020 07:45 (GMT+7)

Tín dụng ngân hàng 4 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, tuy nhiên giới chuyên môn kỳ vọng từ quý III trở đi sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, đảm bảo phục hồi nền kinh tế.

Tín dụng giảm

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28/4, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 1,32% so với cuối năm 2019, mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trở lại nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và nhiều năm trở lại đây.

Báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại quý I/2020 cho thấy tăng trưởng tín dụng âm (bảng dưới đây). Những ngân hàng khác có tăng trưởng tín dụng nhưng mức tăng đều thấp so với cùng kỳ 2019.

Tính ra, với mức tăng trưởng trên, các ngân hàng mới cho vay khoảng 100.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 dự kiến tín dụng sẽ tăng từ 11-14%, với khoảng 900 nghìn đến 1,1 triệu tỷ đồng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện bình thường, không bị tác động bởi dịch Covid-19 thì tăng trưởng tín dụng từ 900 nghìn-1,1 triệu tỷ đồng là con số bình thường. Điểm khác biệt lớn nhất là mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ năm nay được thực hiện trong điều kiện kinh tế không bình thường, do những tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh sự khó khăn của các doanh nghiệp. Một loạt ngành hàng đang chịu ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...

Hiện tại, dư nợ cho vay với khối doanh nghiệp chiếm trên 53% trong tổng dư nợ tín dụng. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề đều vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Khi sản xuất kinh doanh gặp khó thì nhu cầu về vốn giảm mạnh.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến giữa tháng 4, cho vay mới với doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 1%, nông nghiệp tăng 0,3% trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.

Ở góc độ cho vay tiêu dùng cũng tương tự. Khoảng 2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến thu nhập giảm. Do vậy, mọi người sẽ phải thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu mua xe, mua nhà hay các sản phẩm đầu tư khác phải tạm dừng lại, khiến cho vay tiêu dùng cũng giảm mạnh.

Hiện vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Giới chuyên môn nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng khó có thể được cải thiện trong quý II/2020. Phải mất khoảng 2 tháng nữa, các doanh nghiệp đang tạm ngừng mới có thể quay trở lại hoạt động. Với những doanh nghiệp đang hoạt động, cũng mất khoảng đó thời gian để bình thường trở lại. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... dịch bệnh vẫn chưa giảm. Việc xuất khẩu sang các thị trường này gặp khó khăn. Như vậy, nhu cầu về vốn của DN sẽ còn ở mức thấp.

Hạ lãi suất cứu doanh nghiệp và tăng trưởng

Theo tính toán, để giữ được tăng trưởng GDP mức 5% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng ở mức 10% trở lên. Thông thường những năm trước, tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm thấp, nhưng về cuối năm các ngân hàng tăng tốc cho vay ra, trong khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh.

Lãi suất cho vay giảm cùng với số lượng các khoản vay được tái cấu trúc lại ngày càng nhiều sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh các dự án đầu tư công có sức lan tỏa lớn, sẽ tạo ra việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước thống kê cho biết, tính đến cuối tháng 4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 14.000 cá nhân, doanh nghiệp với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ cũng đã được các ngân hàng miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.

Đáng chú ý, số liệu cơ quan quản lý cho biết, đã có tới 318.000 khách hàng với dư nợ hiện hữu trên 980.000 tỷ đồng đã được các nhà băng hạ lãi suất. Trong đó, mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%. Thậm chí, một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng.

Ngoài ra, nhóm các nhà băng này cũng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi vay thông thường 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng, và doanh số cho vay đạt trên 500.000 tỷ.

Theo cơ quan quản lý, nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng dư nợ hiện hữu đã được các ngân hàng thương mại hạ lãi suất bình quân 1%, lợi nhuận của nhóm nhà băng này trong năm sẽ giảm ít nhất 100.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, mức độ tàn phá của dịch Covid-19 chưa dừng lại. Vì vậy, cần phải giữ mặt bằng lãi suất thấp để giúp phục hồi. Chỉ có giảm sâu lãi suất cho vay mới cứu được nền kinh tế. Hiện vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Các doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay thời gian qua có giảm nhưng vẫn chưa như mong muốn. Ngân hàng cần giảm sâu hơn nữa và đẩy nhanh tái cơ cấu các khoản nợ, để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; qua đó, giúp cho tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đặt ra.

Theo Vietnnamnet
Cùng chuyên mục
Tin khác