Tài chính quốc tế

Dòng vốn FDI chảy khỏi Trung Quốc: Vĩnh viễn hay tạm thời?

(VNF) - Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2023 ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, làm dấy lên mối lo ngại của thị trường về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu đây là sự khởi đầu cho làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài hay là một hiện tượng ngắn hạn sẽ đảo ngược khi động lực thay đổi?

Dòng vốn FDI chảy khỏi Trung Quốc: Vĩnh viễn hay tạm thời?

Ảnh minh hoạ

Sụt giảm nghiêm trọng

Số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố ngày 18/2 cho thấy số vốn FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái. Con số này thấp hơn 82% so với mức năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Theo các chuyên gia, dữ liệu kém khả quan này cho thấy tác động dai dẳng của lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 và khả năng phục hồi kém của đất nước tỷ dân. Lần đầu tiên kể từ năm 1998, tổng lượng vốn FDI ở Trung Quốc đã giảm vào quý III/2023, trước khi phục hồi nhẹ để đạt mức tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2023. Tuy nhiên lượng vốn mới 17,5 tỷ USD ghi nhận trong quý này chỉ bằng 1/3 so với mức cùng kỳ năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng sự suy giảm của vốn FDI vào Trung Quốc là do doanh nghiệp nước ngoài đang rút vốn khỏi nước này vì căng thẳng địa chính trị và sức hút của lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế khác. Các công ty đa quốc gia nhận thấy việc giữ tiền ở các quốc gia khác hấp dẫn hơn ở Trung Quốc vì nhiều nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất để chống lạm phát trong khi Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Các công ty Nhật Bản đã đầu tư lượng vốn mới thấp nhất vào năm 2023 trong ít nhất một thập kỷ, với chỉ 2,2% vốn đầu tư nước ngoài mới của Nhật Bản đổ vào Trung Quốc đại lục. Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố hồi đầu tháng này, khoản đầu tư đó ít hơn số tiền được chuyển vào Việt Nam hay Ấn Độ và chỉ bằng khoảng 1/4 khoản đầu tư vào Úc.

Các công ty Đài Loan, vốn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc, cũng trở nên kém hào hứng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở đại lục, với mức đầu tư mới vào năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Trong năm 2023, các công ty Hàn Quốc cũng cắt giảm đầu tư vào nước láng giềng thân cận Trung Quốc với lượng vốn FDI mới giảm 91% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Vĩnh viễn hay tạm thời?

Kết quả kém khả quan này cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi đang nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có hai yếu tố cho thấy sự sụt giảm gần đây của dòng vốn FDI vào Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời.

Thứ nhất, hiện nay có ít động lực khuyến khích đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc hơn. Trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương thế giới vẫn giữ nguyên lập trường về việc chính sách tiền tệ cần được thắt chặt hơn nữa và giữ nguyên lâu hơn.

Cụ thể, Fed đã có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất trong năm 2023, đưa lãi suất quỹ liên bang (FFR) từ vùng 4,25-4,5% hồi đầu năm lên vùng 5,25-5,5% vào tháng 8/2023. Mức tăng này đã làm giảm khẩu vị rủi ro của các doanh nghiệp và động lực đầu tư ra nước ngoài của họ.

Có thể thấy rằng tâm lý e ngại rủi ro như vậy đã dẫn đến dòng vốn FDI không chỉ chảy ra khỏi Trung Quốc mà còn lan rộng hơn. Châu u cũng đã chứng kiến hiện tượng tương tự. Tuy nhiên, với quan điểm cho rằng chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm và lãi suất cuối cùng sẽ giảm, các nhà kinh tế cho rằng động cơ khuyến khích FDI sẽ tăng trở lại và đầu tư có thể quay trở lại Trung Quốc.

Thứ hai, tâm lý tiêu cực về sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng hậu Covid-19 của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị với Mỹ đã ảnh hưởng đến dòng vốn FDI. Điều này cũng có thể sớm thay đổi. Những vấn đề hiện tại được cho là sẽ thúc đẩy Bắc Kinh nới lỏng chính sách mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường bất động sản và đảo ngược đà tăng trưởng đang suy giảm.

Tại một cuộc họp nội các ngày 18/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi tiến hành các biện pháp "thực chất và mạnh mẽ" để cải thiện niềm tin vào nền kinh tế.

Đây được xem một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về những thách thức mà nền kinh tế nước này phải đối mặt, bao gồm sự suy yếu của dòng vốn FDI, xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Theo các chuyên gia, việc duy trì các biện pháp như vậy sẽ mang lại cơ hội phục hồi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản sản Trung Quốc vào năm 2024, giúp xoay chuyển tâm lý tiêu cực và đảo ngược dòng vốn FDI chảy ra nước ngoài.

Họ cũng cho rằng không nên phóng đại những lo ngại rằng dòng vốn FDI sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc vốn không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để tài trợ cho sự phát triển của mình bởi FDI chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư của nước này.

Nguồn đầu tư mới

Trong khi chính sách đối ngoại mới khiến Mỹ giảm đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Mỹ cho là chiến lược vì lợi ích quốc gia, thì Trung Đông (đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - GCC) lại sẵn sàng đẩy mạnh đầu tư vào Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ ngoại giao và kinh tế đang dần ấm lên.

Sáu quốc gia GCC gồm Arab Saudi, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Qatar, Bahrain và Oman có các quỹ tài sản có chủ quyền với tổng tài sản ước tính khoảng 4.000 tỷ USD. Chưa đến 2% trong số này được đầu tư vào châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.

Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ được cải thiện. Một số tổ chức đưa ra dự báo rằng đầu tư của GCC có thể tăng lên 10.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, trong đó 1.000 tới 2.000 tỷ USD được phân bổ cho Trung Quốc vào năm 2030.

Các nước GCC và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác kinh doanh trong thời gian gần đây. Vào tháng 3/2023, Arab Saudi tuyên bố công ty dầu khí nhà nước Aramco sẽ xây dựng các nhà máy lọc dầu với Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 83,7 tỷ nhân dân tệ (11,6 tỷ USD).

Nước này cũng sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một liên minh chính trị, an ninh, kinh tế do Nga và Trung Quốc đóng vai trò trụ cột. Những động thái này được cho là sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về giao dịch dầu bằng đồng nhân dân tệ.

Vào tháng 5/2023, UAE đã ký ba thỏa thuận với các tổ chức năng lượng hạt nhân Trung Quốc, cho phép Trung Quốc gia nhập khu vực GCC.

Chỉ trong quý III/2023, Arab Saudi, UAE và Qatar đã ký các thỏa thuận hợp tác và đầu tư với Trung Quốc trị giá ít nhất 5 tỷ USD, bao gồm năng lượng, nghiên cứu & phát triển, các dự án công nghiệp/xanh và tài chính. Danh sách các sự kiện và thỏa thuận chung có thể sẽ tăng lên khi hợp tác Trung Quốc-Trung Đông ngày càng sâu sắc.

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng FDI đang chảy từ Trung Đông (và các nước khác, đặc biệt là ở châu Á), thay thế dòng vốn FDI từ Mỹ vào Trung Quốc. Khi động lực thay đổi, lãi suất phi rủi ro giảm, triển vọng kinh tế Trung Quốc được cải thiện và ổn định quan hệ Trung-Mỹ, họ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là cục nam châm hút dòng vốn FDI toàn cầu.

Tin mới lên