Dự án công viên của Vạn Phúc: Điểm bất hợp lý trong chỉ đạo của cựu PCT TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến

Vĩnh Chi - 11/03/2021 17:55 (GMT+7)

(VNF) - Theo HoREA, văn bản chỉ đạo của cựu Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến về dự án công viên nước của Công ty Cổ phần Địa ốc Vạn Phúc tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức có điểm bất hợp lý.

VNF
Dự án công viên nước của Công ty Vạn Phúc

Như đã thông tin tại bài viết Doanh nhân Hương Nguyễn gửi tâm thư về 'nỗi niềm không biết tỏ cùng ai' dự án công viên nước của Công ty Vạn Phúc bị “ách tắc”, “đứng hình” trong nhiều năm qua do vấn đề thủ tục.

Trong thông cáo phát đi mới đây, HoREA đã dẫn lại một văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trần Vĩnh Tuyến đối với dự án này để làm rõ sự bất hợp lý trong quy định pháp luật, đó là văn bản số 7990/VB-ĐT  ngày 23/07/2018 của Văn phòng UBND TP. HCM.

Tại văn bản này, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, đã có ý kiến chỉ đạo như sau: “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Thủ Đức và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nên trên đúng theo quy định hiện hành; đồng thời hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc tham gia đấu thầu theo quy định”.

Theo HoREA, “quỹ đất dự án, trong đó có công viên chuyên đề do Công ty Vạn Phúc tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng (và các dự án tương tự khác), thì tại sao chủ đầu tư không được tự đầu tư kinh doanh?!”

“Quỹ đất này cũng không phải là ‘đất công’, thì tại sao lại được Nhà nước tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, ‘đồng thời hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc tham gia đấu thầu theo quy định’ (?!), HoREA đặt câu hỏi.

Một văn bản khác cũng được HoREA dẫn ra như một sự “vô lí” về thủ tục đó là Văn bản 855/TB-VP ngày 25/11/2020 của Văn phòng UBND TP. HCM thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan về trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố.

Văn bản này có nội dung: “(Đối với) nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao), Nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định)”.

Với văn bản này, HoREA chỉ ra điểm “bất cập” là quỹ đất dự án, trong đó có công viên chuyên đề do Công ty Vạn Phúc tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng (và các dự án tương tự khác), không phải là “đất công”, thì tại sao “Nhà nước lập thủ tục quản lý” (?!) và lại chỉ “khuyến khích”, mà không phải là phải “ưu tiên” cho chủ đầu tư dự án thực hiện đầu tư công trình này.

Theo HoREA, một “vướng mắc” lớn hiện nay là chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị không được đảm bảo quyền được đầu tư kinh doanh đối với các lô đất trong dự án được quy hoạch để thực hiện các công trình giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí có kinh doanh (không bao gồm công viên công cộng).

“Chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới là người bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng để có quỹ đất dự án. Họ cũng là người bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án. Vì thế, lẽ ra họ phải có quyền ưu tiên lựa chọn được đầu tư kinh doanh tất cả các sản phẩm được tạo ra từ dự án, bao gồm các phần đất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí (có mục đích kinh doanh).

“Trường hợp chủ đầu tư quyết định không đầu tư kinh doanh thì sẽ tự nguyện bàn giao các phần đất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí này cho địa phương quản lý”, HoREA nêu quan điểm.

HoREA cho biết mặc dù pháp luật hiện hành đã có các quy định về “quyền của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại” như: khoản 3, khoản 5 Điều 25 Luật Nhà ở 2014; điểm đ, khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013; điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định 43/2019; khoản 3 Điều 36 Nghị định 11/2013… nhưng tên thực tế từ năm 2014 đến nay, các chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn TP. HCM không được quyền đầu tư các phần đất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí (có mục đích kinh doanh) trong dự án.

Vì vậy, chủ đầu tư đã không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm xây dựng các cơ sở dịch vụ, tiện ích trong dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cũng không thực hiện được cam kết với khách hàng.

Điều này đã làm dẫn đến xảy ra tình trạng khiếu kiện tại một số dự án, gây mất trật tự xã hội và làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.