Bất động sản

Dự án điện rác 90 triệu USD ở Thanh Hóa tiếp tục xin gia hạn

(VNF) - Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá) được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ năm 2004, qua nhiều lần điều chỉnh chủ trương, thời gian hoàn thành xây dựng dự án, nay tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành.

Dự án điện rác 90 triệu USD ở Thanh Hóa tiếp tục xin gia hạn (Ảnh minh hoạ)

UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 3/8/2022 đã có văn bản số 11327/UBND-THKH về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất của dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này nhận được công văn số 20/THTY ngày 28/7/2022 của Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa (Tianyu Thanh Hóa) về việc gia hạn tiến độ hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất của dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở: TN&MT, Xây dựng, Công Thương; UBND thị xã Bỉm Sơn và các đơn vị liên quan, nghiên cứu đề nghị của Tianyu Thanh Hóa tại công văn nêu trên, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 15/8/2022.

Được biết, dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ năm 2004, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3454/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 đến Quyết định số 4891/QĐ-UBND ngày 18/12/2017 và Quyết định số 4155/QĐUBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo quyết định số 3454/QĐ-UBND ngày 12/9/2017, dự án được xây dựng trên diện tích 100.422m2, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm (chia 2 giai đoạn; giai đoạn I: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW; giai đoạn II: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW).

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 90 triệu USD (tương đương 2.051,1 tỷ đồng) do liên doanh Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện (có trụ sở tại phố Tây Sơn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) và Công ty United Expert Investments Limited (có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Dự án được đầu tư đốt rác thải sinh hoạt phát điện nhằm tận thu nhiệt để phát điện và các loại chất thải trơ làm vật liệu xây dựng; góp phần cải thiện môi trường, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước và phát triển bền vững.

Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào tháng 1/2018, hoàn thành đi vào hoạt động tháng 6/2019.

Ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định số 4891/QĐ-UBND đều chỉnh lại chủ trương đầu tư. Dự án được điều chỉnh lại thời gian thực hiện dự án là từ tháng 5/2018 khởi công và đến tháng 9/2019 hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án cũng thay đổi công suất phát điện xuống còn 9MW/ ngày đêm.

Ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có quyết định số 4155/QĐ-UBND về điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án này.

Tại lần điều chỉnh này, mục tiêu đầu tư dự án cũng được điều chỉnh lại thành xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường bằng công nghệ đốt có tận thu nhiệt để phát điện, tận thu các loại chất thải trơ làm vật liệu xây dựng; góp phần cải thiện môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước và phát triển bền vững.

Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh. Tháng 12/2021 khởi công giai đoạn I  (thi công xây dựng toàn bộ các hạng mục, công trình của dự án và lắp đặt thiết bị cho giai đoạn 1 với công suất 500 tấn/ngày đêm). Tháng 6/2023 hoàn thành, đi vào hoạt động.

Đặc biệt, nhà đầu tư thứ 2 tham gia dự án được thay đổi là Công ty United Expert Investments (Vương quốc Bỉ) góp 80%.

Tiếp đến ngày 10/5/2022, dự án tiếp tục được điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Ở lần điều chỉnh này, diện tích đất thực hiện dự án giảm xuống 90.691,2m2. Tiến độ dự án giai đoạn 1 (thi công xây dựng toàn bộ các hạng mục, công trình của dự án và lắp đặt thiết bị cho giai đoạn 1 với công suất 500 tấn/ngày đêm) điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động chậm nhất trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất; Giai đoạn 2 (lắp đặt thiết bị cho giai đoạn 2 với công suất 500 tấn/ngày đêm) sẽ thực hiện sau khi lượng rác thải cần xử lý vượt quá công suất giai đoạn 1, để đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương…

Và nay, dự án tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành.

Tin mới lên