Bất động sản

Dự án đường Vành đai 2 trên cao: Còn gì sau lỗi thiết kế?

Sau khi thông xe đoạn trên cao đầu tiên và có đường lên xuống chui đầu vào chỗ tắc Ngã Tư Sở (Hà Nội), theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đường trên cao Vành đai 2 kết hợp mở rộng lòng đường bên dưới còn đối diện nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn.

Dự án đường Vành đai 2 trên cao: Còn gì sau lỗi thiết kế?

Sáng 16/11, đường Trường Chinh - Đại La tắc kéo dài; mặt bằng dự án mở rộng hai bên đang quây tôn rào. Ảnh: A.Trọng

Theo tiến độ, đến nay, đường Vành đai 2 trên cao và mở rộng đoạn từ Ngã Tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy đã phải cơ bản hoàn thành nội dung xây lắp để thông xe vào cuối năm nay. Tuy nhiên, mặt bằng dự án nhiều đoạn đã được giải phóng xong, nhưng vẫn chưa được thi công, hiện trường chỉ là bãi đất trống, quây tôn, rào bốn phía xung quanh.

Tại đoạn từ ngã tư Đại La - Trần Đại Nghĩa đến Ngã Tư Vọng dài khoảng 500 mét, toàn bộ mặt bằng đã được mở rộng thêm 50 đến 60 mét ở chiều Đại La - Trường Chinh vẫn chỉ là các đoạn đất trống, lác đác máy móc san ủi đất.

Trong khi đó, đường Đại La- Trường Chinh chạy về Ngã Tư Vọng chiều rộng mặt cắt ngang chỉ khoảng 10 mét, luôn bị quá tải phương tiện, ùn tắc kéo dài vào sáng, chiều. Với đoạn từ nút giao với Trần Đại Nghĩa đến cầu Mai Động dài 1,8 km, mặt bằng mở rộng tại nhiều đoạn đang được thi công, đổ các trụ để xây dựng đường Vành đai 2 trên cao.

Nhiều đoạn còn lại vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, công trường dự án đang phải xây dựng theo kiểu “xôi đỗ”, không liên hoàn.

Dự án thi công đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở- cầu Vĩnh Tuy và mở rộng mặt đường bên dưới đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy (dài 5,1 km) được TP. Hà Nội khởi công tháng 4/2018. Với tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng thực hiện theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình), dự án có tiến độ hoàn thành vào năm 2020.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa hết năm 2020 nhưng hiện mới chỉ 1,8 km đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng vừa được thông xe, đoạn xây đường trên cao kết hợp mở rộng lòng đường Vành đai 2 bên dưới từ Ngã Tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy vẫn thi công dang dở, nhiều đoạn chưa giải phóng xong mặt bằng.  

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, hiện mặt bằng dự án có mặt cắt mở rộng thêm 60 mét tại đoạn Ngã Tư Vọng đến nút giao với phố Vọng quận đã giải phóng xong nhà của 68 hộ dân.

“Chúng tôi đã bàn giao cho nhà đầu tư từ trước dịp 2/9/2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy dự án được triển khai tại đây nên để chống tái lấn chiếm, quận đã phải chi thêm kinh phí mua khung sắt và làm hàng rào 4 xung quanh”, ông Giáp nói.

Nguy cơ tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án thi công đường trên cao Vành đai 2 và mở rộng lòng đường bên dưới có tiến độ thi công 2 năm và hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên, việc thông xe toàn bộ dự án trong năm nay là không thể xảy ra. Khả năng này đã được đại diện các đơn vị quản lý dự án đường Vành đai 2 trên cao Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy xác nhận.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đang đối diện nguy cơ tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng so với mức 9.500 tỷ đồng như phê duyệt dự án ban đầu. Do gặp khó khăn trong việc tìm thêm quỹ đất làm đối ứng trả cho nhà đầu tư nên hiện nay khoản tiền tăng vốn này TP. Hà Nội chưa đưa ra được phương án khả thi nhất.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý dự án về mặt Nhà nước) xác nhận, dự án đang bị chậm so với tiến độ đặt ra.

Về việc tăng vốn, tuy không đưa ra thông tin cụ thể, nhưng đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cũng cho rằng, dự án sẽ có sự điều chỉnh vốn của thành phố so với mức được phê duyệt ban đầu.

Ùn tắc kéo dài

Sáng 16/11 là bước sang ngày thứ 7 nút giao Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở tiếp tục ùn tắc kéo dài sau khi đường Vành đai 2 trên cao giai đoạn 1 thông xe.

Tại nút giao Ngã Tư Vọng, do phương tiện ở đường Trường Chinh (8 làn xe) và đường trên cao (4 làn xe) đổ về nhanh, trong khi hướng đường Trường Chinh - Đại La lại chỉ rộng có 2 làn xe, chưa được mở rộng, nên giao thông tại đây bị thắt cổ chai, ùn tắc kéo dài.

Tại nút Ngã Tư Sở, bình thường, nút giao thông này đã ùn tắc, nay có thêm lượng xe ô tô lưu thoát nhanh từ đường Vành đai 2 trên cao đổ thẳng xuống nút, gây xung đột lớn, dẫn đến ùn tắc kéo dài nhiều ngày qua.

Nhiều nhà quy hoạch, chuyên gia giao thông cho rằng, mục đích của việc thi công đường trên cao là để giảm ùn tắc, tuy nhiên, với hệ thống đường lên xuống lao thẳng vào các nút giao thông là lỗi về thiết kế, vai trò quản lý nhà nước.

 

Tin mới lên