Bất động sản

Dự án khu dân cư Ven sông: Doanh nghiệp 'chuyền tay' vốn góp, nhà nước thiệt hại

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Ven Sông Tân Phong (quận 7, TP. HCM) giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai không đảm bảo nguyên tắc thị trường đã gây thiệt hại 80 tỷ đồng cho nhà nước.

Dự án khu dân cư Ven sông: Doanh nghiệp 'chuyền tay' vốn góp, nhà nước thiệt hại

Dự án khu dân cư Ven sông: Doanh nghiệp 'chuyền tay' vốn góp, nhà nước thiệt hại

Quốc Cường Gia Lai thâu tóm dự án thế nào?

Trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận - 100% vốn nhà nước, thuộc Văn phòng Thành ủy TP. HCM), ngoài thiệt hại 167 tỷ đồng tại dự án Phước Kiểng, CQĐT xác định việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Ven Sông giữa các công ty đã gây thiệt hại 80 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, tháng 5/1999, Công ty Tân Thuận được Ban tài chính quản trị Thành ủy TP. HCM chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Ven Sông Tân Phong, phường Tân Phong, quận 7. Sau khi được chấp thuận đầu tư, tháng 11/2001, Công ty Tân Thuận được UBND TP. HCM giao đất để đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Ven Sông - khu đô thị mới Nam thành phố, phường Tân Phong, quận 7.

Dự án có tổng diện tích là 269.229m2, được chia thành 4 khu, trong đó, khu 4 có diện tích 31.967m2. Năm 2008, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với tỉ lệ 55:45 để đầu tư xây dựng dự án khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong tại khu 4.

Đến năm 2012, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển nhượng 45% vốn góp nêu trên cho công ty con là Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (gọi tắt là Công ty nhà Hoàng Anh).

Theo CQĐT, nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại, CQĐT đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai TP. HCM kiểm tra, cung cấp thông tin về nhà, đất và tài sản gắn trên đất liên quan đến ông Tất Thành Cang.

Ngày 15/12/2015, sau khi nhận chuyển nhượng 45% vốn góp nêu trên từ Công ty nhà Hoàng Anh, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn đầu tư triển khai dự án, hoặc chuyển nhượng nốt 55% vốn góp tại dự án khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong tại khu 4 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai để công ty này triển khai dự án.

Sau khi nhận văn bản của Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận chấp nhận chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp. Đến ngày 3/2/2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận thống nhất giá chuyển nhượng là 20 triệu đồng/m2.

Sau khi thâu tóm 90% cổ phần vốn góp tại dự án, ngày 9/9/2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục đề nghị được mua tiếp 10% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận và lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai để làm chủ đầu tư dự án.

Hơn 10 ngày sau, Công ty Tân Thuận cùng Công ty Quốc Cường Gia Lai ký biên bản thỏa thuận, thống nhất phương án hoán đổi 10% vốn góp của Công ty Tân Thuận thành sàn căn hộ, đơn giá hoán đổi là 23 triệu đồng/m2.

Thỏa thuận là vậy, nhưng ngày 28/11/2017, ông Trần Công Thiện (Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) lại ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án trên cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chuyển nhượng chỉ 20 triệu đồng/m2, cũng không thực hiện xây dựng giá lại, dẫn đến giá trị chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, gây thiệt hại cho nguồn vốn nhà nước.

CQĐT xác định, trong thương vụ chuyển nhượng dự án nêu trên đã gây thiệt hại 80 tỷ đồng của Nhà nước, bao gồm thiệt hại tại thời điểm chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp và thời điểm hoán đổi 10% vốn góp còn lại.

Rà soát tài sản của ông Tất Thành Cang

Mặc khác, đối với diện tích 11.967,4m2 đất tại dự án khu dân cư Ven Sông, đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất và Công ty Tân Thuận đã chuyển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Sở Xây dựng TP. HCM đề nghị cơ quan điều tra xác định lại giá cho phù hợp để Công ty Quốc Cường Gia Lai chi trả bổ sung cho đủ, đảm bảo không gây thất thoát.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cơ quan điều tra chưa làm việc với bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai) để giải quyết.

Ngoài ra, trong dự án còn phần đất chưa cấp chủ quyền, vậy có nên cấp tiếp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hay không, CQĐT cho biết chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM có ý kiến.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Tân Thuận, CQĐT xác định ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 9 bị can đã gây thiệt hại tổng cộng 284 tỷ đồng là vốn của Đảng bộ thành phố tại Công ty Tân Thuận (thiệt hại tại dự án khu dân cư Ven Sông là 80 tỷ đồng và tại dự án 32 ha Phước Kiểng là trên 167 tỷ đồng).

Theo CQĐT, nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại, CQĐT đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM kiểm tra, cung cấp thông tin về nhà, đất và tài sản gắn trên đất liên quan đến ông Tất Thành Cang.

Tin mới lên