Tiêu điểm

Du học sinh Việt Nam đến Mỹ nhiều nhất Đông Nam Á

(VNF) - Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế như thương mại và đầu tư, hợp tác giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều cột mốc đáng ghi nhớ trong những năm qua.

Kể từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, hai quốc gia Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế như thương mại và đầu tư, giáo dục cũng là trong số những điểm sáng của mối quan hệ song phương Việt – Mỹ trong những năm qua.

Ngay từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, chương trình Fulbright đã được thành lập, cho thấy hợp tác giáo dục Việt Nam – Mỹ đã phát triển từ rất sớm.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) chính thức được tuyên bố thành lập trong buổi lễ ngày 25/5/2016.

Hợp tác giáo dục của hai bên dần dần đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian qua khi cả hai bên đều thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ. Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã ký kết nhiều bản ghi nhớ và hiệp định nhằm tăng cường hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng Lãnh sự quán Mỹ vào năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại đại học Mỹ với các ngành học từ khoa học, kinh tế, kỹ sư cho đến y tế, toán học...

Hiện tại, có tổng cộng khoảng 26.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ theo diện tự túc kinh phí và các chương trình học bổng. Các chương trình học bổng của Mỹ đã khoảng 560 người có trình độ thạc sĩ, tiến sỹ tại Mỹ học tập trung ở các lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Ở chiều ngược lại, nhiều sinh viên và giáo sư Mỹ cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm gần đây, trung bình có khoảng 10 đến 20 sinh viên của Mỹ sang Việt Nam học tập về tiếng Việt và Việt Nam học.

Mỹ cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các chương trình hợp tác phát triển giáo dục ở Việt Nam. Năm 2021, Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Mỹ trị giá 37 triệu USD cho trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vay để xây trường ở Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại đại học Mỹ. (Ảnh minh họa)

Hai bên còn phối hợp triển khai đợt tình nguyện viên Mỹ đầu tiên vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh (tháng 10/2022). Hiện nay Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Mỹ tại Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.

Đặc biệt, việc thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) – trường đại học phi lợi nhuận theo mô hình Mỹ đầu tiên của Việt Nam vào năm 2016 cũng có thể được coi là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên.

Trong khi đó, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã hỗ trợ đáng kể cho giáo dục đào tạo Việt Nam đặc biệt các ngành kĩ thuật và y tế phục vụ Cách mạng 4.0, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

USAID đã tài trợ tổng cộng khoảng 68 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam, trong đó phải kể đến dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) với ngân sách 14,2 triệu USD. Dự án này kéo dài trong 5 năm, từ năm 2022 đến năm 2026, với mục đích giúp 3 Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và Đại học Đà Nẵng cải thiện chất lượng giáo dục và tăng cường năng lực quản trị.

Có thể thấy rằng cả Việt Nam và Mỹ đều đặc biệt quan tâm, chú trọng đến đầu tư cho giáo dục, phát triển con người. Đây cũng sẽ là tiền đề cho chặng đường hợp tác sâu rộng tiếp theo của hai nước trong những năm tới.

Sau giáo dục, hợp tác y tế và ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau dịch cũng là vấn đề được cả hai nước cùng quan tâm, đặc biệt là trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.

Tính đến nay, Mỹ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vắc-xin, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX; chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc-xin Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Mỹ sản xuất; và phối hợp chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam.

USAID còn tài trợ lắp đặt hệ thống oxy lỏng ở bệnh viện Bạch Mai nhân chuyến thăm của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao My Wendy Sherman. Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội tiếp tục hoạt động tích cực, và nhận được sự quan tâm của nội bộ Mỹ.

Tin mới lên