Toàn cảnh khu vực sẽ xây Ga đường sắt Đà Nẵng mới
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.
Một báo cáo nhận định gần đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tăng trưởng cho vay khách hàng của Techcombank phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.
Dẫn giải thêm, công ty chứng khoán này cho biết quý I/2019, tổng danh mục cho vay khách hàng của Techcombank tăng 3.896 tỷ đồng (tương đương tăng 2,4%), trong đó, cho vay khối ngân hàng bán buôn (WB) giảm trên 4.000 tỷ đồng (giảm 8%), khối khách hàng cá nhân (PFS) tăng 6.000 tỷ đồng (tăng 8%) và khối khách hàng doanh nghiệp (BB) tăng 2.000 tỷ đồng (tăng 8%).
Đáng chú ý, tăng trưởng cho vay PFS của Techcombank trong quý vừa qua, theo BVSC, xuất phát từ khoản giải ngân ngân 6.800 tỷ đồng cho vay mua nhà đối với dự án VinCity (nay đã "đổi tên" thành đại đô thị mang thương hiệu Vinhomes).
Ở một quan sát khác, cũng có thể thấy rằng Techcombank phụ thuộc nhiều và có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào dư nợ cho vay mua nhà.
Cụ thể, theo số liệu từ Techcombank, cơ cấu cho vay PFS của ngân hàng này đang ngày càng phụ thuộc vào dư nợ cho vay mua nhà. Tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà trên tổng dư nợ cho vay PFS tại Techcombank liên tục tăng qua các năm, từ 62% (năm 2015) lên 65% (năm 2016), tiếp tục tăng lên 72% và 76% vào các năm 2017 và 2018. Sang quý I/2019, tỷ trọng tiếp tục tăng lên mức 79%.
Cơ cấu cho vay PFS của Techcombank giai đoạn 2015 - quý I/2019. Nguồn: Techcombank
Cùng với đó, dư nợ cho vay mua nhà chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay, phản ánh sự phụ thuộc lớn. Theo số liệu từ Techcombank, kết thúc quý I/2019, dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng này lên đến 59.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng dư nợ cho vay.
Dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank giai đoạn 2015 - quý I/2019. Nguồn: Techcombank
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Techcombank lại phụ thuộc vào dư nợ cho vay mua nhà nói chung và các dự án của Vingroup nói riêng?
Từ cuối năm 2015 (khi đó dư nợ cho vay mua nhà chỉ chiếm 62% dư nợ cho vay PFS và chiếm khoảng 25% tổng dư nợ cho vay), Techcombank đã bắt đầu một hành trình chuyển đổi lớn ở mảng khách hàng cá nhân: từ bỏ các sản phẩm cho vay có rủi ro cao, nhất là cho vay tiêu dùng tín chấp, để chuyển sang cho vay mua nhà để ở đối với phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Đây một trong những lý do giải thích vì sao mặc dù đã gây dựng nền tảng khá vững trong mảng tài chính tiêu dùng với sự hiện diện của TechcomFinance nhưng vài năm gần đây, hoạt động trong mảng tài chính tiêu dùng của Techcombank lại "chìm dần" và cuối cùng là bán đứt TechcomFinance, đem về khoản lợi nhuận khoảng 900 tỷ đồng.
Thực tế, để phát triển mảng khách hàng cá nhân, các ngân hàng phần lớn chỉ có 3 lựa chọn hợp thời: hoặc phát triển mảng tài chính tiêu dùng với trọng tâm là cho vay tiền mặt, cho vay tín chấp quy mô nhỏ đi kèm với tệp khách hàng lớn; hoặc là tập trung cho vay các nhu cầu tiêu dùng lớn (chủ yếu là cho vay mua nhà, mua ô tô) đi kèm với tệp khách hàng chọn lọc; hoặc kết hợp cả hai.
Với Techcombank, những năm gần đây, ngân hàng này chọn cách tập trung cho vay mua nhà với tệp khách hàng có thu nhập cao. Lựa chọn này có lẽ đã xuất hiện từ trước khi chuyển đổi, bởi năm 2015, có tới 85% dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank là đến từ khách hàng có thu nhập cao. Sau chuyển đổi, tỷ lệ này lên đến 97% vào năm 2016, 98% vào năm 2017 và bắt đầu giảm xuống còn 92% vào năm 2018 và 90% vào quý I/2019, do bắt đầu cho vay phân khúc thấp hơn gắn liền với các dự án VinCity.
Tại Việt Nam từ trước tới nay, Vingroup có thể coi là doanh nghiệp thống trị phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt nếu xét về quy mô. Dưới góc độ chiến lược phát triển khách hàng cá nhân, không khó để hiểu vì sao Techcombank lại "nắm chặt tay" với Vingroup và cho đến tận bây giờ vẫn chấp nhận phụ thuộc vào các dự án của Vingroup.
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.