Đua game thâu tóm

Duy Bắc - Việt Dương - 29/03/2022 11:38 (GMT+7)

Các câu chuyện đồn đoán về việc thâu tóm, sáp nhập và lời hô hào mua vào trên nhiều diễn đàn mạng đã thúc đẩy giá một loạt cổ phiếu tăng vọt, dù nội tại doanh nghiệp yếu kém.

VNF
Đua game thâu tóm

Cổ phiếu thị giá thấp là đối tượng chính của tin đồn

Hiện tượng “meme stock” xuất hiện trong suốt hơn 1 năm qua khi nhiều cổ phiếu nhỏ, thị giá thấp tăng giá vùn vụt, được thúc đẩy bởi các diễn đàn mạng hô hào mua vào, vốn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới tham gia thị trường.

Làn sóng đầu tư vào “meme stock” khiến các phân tích, đánh giá cơ bản đứng ngoài biến động giá cổ phiếu, nhường chỗ cho các thông tin đồn đoán, nhất là về thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, sóng này xuất hiện rõ nét tại cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay, cổ phiếu VC9 của Xây dựng số 9, cổ phiếu SVC của Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, cổ phiếu JVC của Y tế Việt Nhật, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp Tasco (HUT)…

Điểm chung của các cổ phiếu này là có thị giá thấp trước khi được “hô” mua và doanh nghiệp trải qua nhiều năm khó khăn, thua lỗ, tạo nền cho câu chuyện tái cơ cấu, thâu tóm, sáp nhập để thu hút nhà đầu tư.

Đơn cử, trên nhiều diễn đàn mạng và group Zalo, Viber đều chia sẻ những thông tin được xem là “mật” liên quan tới việc Nhựa Đồng Nai có động thái đi thâu tóm trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Các thông tin sau đó trở nên có trọng lượng, thậm chí được coi là chính xác khi nhiều thành viên lãnh đạo cấp cao nằm trong hệ sinh thái của Nhựa Đồng Nai mua vào các cổ phiếu HUT, NVT, VC9, JVC…, đồng thời được đề cử vào hội đồng quản trị và ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Chẳng hạn, ông Hồ Việt Hà, người của Nhựa Đồng Nai giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco và Ninh Vân Bay. Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Đồng Nai) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC. Không ít người khác liên quan tới Nhựa Đồng Nai như Phạm Thành Thái Lĩnh, Nguyễn Hoàng Giang, Phùng Quang Việt, Nguyễn Danh Hiếu, Nguyễn Minh Quang… giữ các vị trí quan trọng tại HUT, NVT, VC9, JVC.

Trong giai đoạn đầu, nhiều nhà đầu tư hoài nghi với nhóm cổ phiếu HUT, NVT, VC9, JVC, nhưng khi chứng kiến giá các cổ phiếu này liên tục đi lên, họ không thể đứng ngoài cuộc. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của nhà đầu tư giúp giá các cổ phiếu tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn, dù nội tại doanh nghiệp có những điểm yếu kém.

Nội tại doanh nghiệp có vấn đề

NVT hiện sở hữu khu nghỉ dưỡng “Six Sensen Ninh Van Bay” với diện tích 55 ha đất thuê ngoài đảo, 95 ha mặt nước biển tại Khánh Hoà và chưa triển khai dự án nào lớn đáng chú ý. Được biết, dự án khu nghỉ dưỡng đã hoàn thành đi vào vận hành từ năm 2005, nhưng tình hình kinh doanh của Công ty không có dấu hiệu cải thiện.

Tính tới 31/12/2021, NVT có lỗ luỹ kế 707,7 tỷ đồng, tăng 53,1 tỷ đồng so với đầu năm 2021 và bằng 78,2% vốn điều lệ. Nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 319,4 tỷ đồng, bằng 59,4% vốn chủ sở hữu. Quỹ tiền mặt chỉ còn 48 tỷ đồng.

Như vậy, NVT đang đối mặt với lỗ luỹ kế lớn, tỷ lệ vay nợ cao, tiền mặt hạn chế và việc vận hành khu nghỉ dưỡng “Six Sensen Ninh Van Bay” không hiệu quả trong một thời gian dài.

Tương tự, tại JVC, kể từ năm 2015, sau khi ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị khi đó bị bắt, Công ty “bốc hơi” khoản phải thu liên quan tới các giao dịch của ông Hướng và bước vào giai đoạn lao dốc kéo dài. Hiện JVC vẫn chưa giải quyết được khoản phải thu, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 1.194 tỷ đồng.

Năm 2020, JVC lỗ 77 tỷ đồng, 3 quý đầu năm 2021 lỗ thêm 2,9 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2021, JVC có lỗ luỹ kế 1.094,8 tỷ đồng, bằng 97,3% vốn điều lệ. Chỉ cần lỗ thêm 30,2 tỷ đồng, cổ phiếu của Công ty sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Tại VC9, tính tới 31/12/2021, tổng lỗ luỹ kế là 163,9 tỷ đồng, bằng 137% vốn điều lệ. Trong đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 9,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có nợ vay ngắn hạn 478,3 tỷ đồng, bằng 40,6% tổng nguồn vốn, nhưng chỉ có 87,6 tỷ đồng tiền mặt.

Ngoài ra, nợ ngắn hạn của VC9 là 1.168,3 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn (1.125,9 tỷ đồng), cho thấy dấu hiệu mất cân đối nguồn vốn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.

Đối với HUT, doanh nghiệp này lỗ 243 tỷ đồng năm 2020 và ghi nhận lãi 48 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) có năm thứ tư liên tiếp lỗ. Cụ thể, năm 2018 lỗ 11 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 42 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 302 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 192 tỷ đồng.

Thực tế, năm 2021, HUT thoát lỗ bằng việc ghi nhận doanh thu tài chính đột biến từ hoạt động thoái vốn, giảm khoản đầu tư bên ngoài. Mặc dù vậy, doanh nghiệp được giới đầu tư kỳ vọng vào quyền sử dụng 49 ha tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội; 2.800 m2 tại Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội; 13.687 m2 tại Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội; 2.800 m2 tại Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Bên cạnh đó là kế hoạch M&A doanh nghiệp khác.

Nguy cơ ngã ngựa của meme stock

“Sự trỗi dậy của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ban đầu được cho là một sự kiện có một không hai của thời giãn cách, đồng thời tạo điều kiện cho làn sóng cổ phiếu meme stock lên ngôi”, giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nhận xét khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới “say” các game tạo sóng từ những đồn đoán về thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp.

Câu chuyện của nhóm Nhựa Đồng Nai với HUT, NVT, VC9 khá tương đồng với game thâu tóm từng diễn ra với nhóm Louis cuối năm 2021 khi các cổ phiếu như BII của Louis Land, TGG của Louis Capital, AGM của Angimex, VKC của VKC Holdings, APG của Chứng khoán APG, DDV của Dap - Vinachem, TDH của Thủ Đức House đều tăng nhanh nhờ thông tin thâu tóm.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư “đu” theo làn sóng này ở vùng đỉnh với mục tiêu “hớt váng” đa phần đều thảm bại, sau khi các cổ đông lớn là thành viên cấp cao của doanh nghiệp “quay xe” bán ra. Giá các cổ phiếu nói trên nhanh chóng điều chỉnh giảm sâu, gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư.

Trở lại câu chuyện của Nhựa Đồng Nai, trong phản hồi mới nhất gửi tới báo chí, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Công ty không tham gia đầu tư vào HUT, NVT hay VC9. Đồng thời, Nhựa Đồng Nai khẳng định, việc mua bán cổ phiếu của nhiều lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là nhu cầu cá nhân, không liên quan đến chiến lược phát triển của Công ty.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác