Đức chi thêm 2,5 tỷ USD mua LNG để đáp ứng mục tiêu dự trữ khí đốt
Nam Vu -
21/09/2022 12:52 (GMT+7)
(VNF) - Đức tập trung cao hơn vào nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đã đạt mức 90% công suất trong các kho dự trữ khí đốt của mình.
Chính phủ Đức trước đó đã tung một gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD nhằm tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế nguồn nhập khẩu từ Nga. Đến nay, gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 1,5 tỷ USD đã gần cạn kiệt, Đức tiếp tục chi thêm 2,5 tỷ USD để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Đầu năm nay, chính phủ Đức đã ủy quyền cho công ty kinh doanh khí đốt Trading Hub Europe GmbH để bổ sung lượng khí dự trữ nhằm giúp Đức tránh được cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông sắp tới.
Chính phủ Đức trước đó đặt mục tiêu dự trữ khí đốt đạt 75% công suất vào ngày 1/9, 85% công suất vào ngày 1/10 và 95% công suất vào ngày 1/11. Đến nay, lượng khí đốt dự trữ trong các kho chứa đã đạt 90% công suất.
Để đáp ứng mục tiêu dự trữ khí đốt, Đức đã đẩy mạnh việc sử dụng cả than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), triển khai các biện pháp tiết kiệm khí đốt như hạ nhiệt độ sưởi trong các văn phòng và toà nhà công cộng.
Khác với nhiều nước châu Âu khác, Đức không có trạm chứa và tái hóa khí nào trên đất liền để xử lý khí hóa lỏng nhập khẩu. Hiện tại, Đức vẫn phải dựa vào các trạm ở các nước châu Âu khác và điều này đang hạn chế khả năng nhập khẩu của nước này.
Theo truyền thông Đức, chính phủ nước này đang tiến hành việc hợp tác với các đối tác tư nhân để thuê 3 đến 4 tàu đặt ở các cảng ở vùng Biển Bắc hoặc Biển Baltic để phục vụ mục đích này.
Đơn vị lưu trữ nổi đầu tiên ở Wilhelmshaven sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa đông năm nay và một số đơn vị khác sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023.
Trong những năm gần đây, Đức đã nhập khẩu trung bình 55% lượng khí đốt cần thiết từ Nga thông qua các đường ống trên đất liền. Tỷ trọng này đã được giảm xuống còn 40% vào cuối quý I/2022, khi Đức tăng cường nhập khẩu từ Hà Lan, Na Uy.
Tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã lên tiếng nhấn mạnh sự phụ thuộc năng lượng nhập khẩu từ Nga cần được cắt giảm một cách nhanh chóng và bên vững. Theo đó, các trạm LNG nổi sẽ đóng góp to lớn vào quá trình này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.