Nhà máy giấy vệ sinh phá sản và tình cảnh 'nghìn cân treo sợi tóc' của doanh nghiệp Đức
Minh Ý -
20/09/2022 19:54 (GMT+7)
(VNF) - Tờ The Economist nhận định giá năng lượng tăng cao đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi đầu tháng này, một nhà sản xuất giấy vệ sinh lâu đời của Đức đã phá sản, và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”.
Lại là cuộn giấy vệ sinh
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, mì ống và giấy vệ sinh lần lượt là 2 mặt hàng được săn đón nhất trong kệ hàng tại các siêu thị ở Đức. Người tiêu dùng thậm chí còn bị hạn chế mua, hoặc chỉ được phân chia một lượng hàng nhất định để đảm bảo sản phẩm có đủ để chia cho càng nhiều người dân càng tốt.
Nhưng sau khi bùng nổ trong đại dịch, thương hiệu giấy ăn xa xỉ Hakle, với lịch sử lâu đời từ năm 1928 với các cuộn giấy ba lớp nổi tiếng, đã phải nộp đơn xin phá sản vào đầu tháng 9 do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu lục.
Đây là nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn đầu tiên của Đức sụp đổ vì chi phí năng lượng và nguyên liệu tăng cao, và có nhiều ý kiến cho rằng sẽ còn nhiều nhà sản xuất khác sẽ sớm phá sản vì các lý do tương tự.
Sản xuất giấy cần sử dụng rất nhiều năng lượng. Hakle sử dụng khoảng 60.000MWh khí đốt và 40.000 MWhđiện mỗi năm. Công ty cho biết việc chi phí năng lượng tăng quá nhanh nên không thể kịp thời sản xuất và cũng khó cạnh tranh khi người tiêu dùng dần chuyển sang các loại giấy 2 lớp rẻ hơn.
Nhiều ngành công nghiệp “gặp khó”
Gần 10.000 nhà sản xuất bánh mì ở Đức được cho là đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết vì chi phí điện và khí đốt cần thiết để làm nóng lò nướng và vận hành máy nhào trộn đã tăng lên rất nhiều.
Ở Hanover, miền bắc nước Đức, Eckehard Vatter, ông chủ hãng bánh có 35 chi nhánh và 430 nhân viên, đã lên báo gần đây sau khi hóa đơn nhiên liệu của công ty tăng 1.200% lên 75.000 EUR (65.800 bảng Anh) một tháng.
“Chúng tôi sẽ phải tắt lò”, ông Vatter nói về hệ quả của hóa đơn năng lượng tăng cao, và đã quyết tâm biểu tình cùng khoảng 1.000 thợ làm bánh khác, cáo buộc các chính trị gia trong nước đưa người dân vào cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại và kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của nhà nước.
Trên khắp nước Đức, các ông chủ công ty, lãnh đạo công đoàn, chủ cửa hàng và nhân viên đều đang công khai bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát. Họ đặt câu hỏi về sự lạc quan của Thủ tướng Olaf Scholz, người đã đưa ra hy vọng mờ nhạt rằng "nếu chúng ta vượt qua được mùa đông này, mùa hè và mùa đông tới mọi thứ sẽ thoải mái hơn đáng kể”.
Cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) đối với 600 công ty quy mô vừa cho thấy gần 1/10 công ty ghi nhận sản lượng bị gián đoạn hoặc giảm do chi phí đầu vào cao, trong khi hơn 9/10 cho rằng giá năng lượng và nguyên liệu tăng cao là một thách thức lớn đối với sự tồn tại của các công ty này.
1/5 được cho là đang cân nhắc việc chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ sang một quốc gia khác. Các công ty lớn hơn sử dụng năng lực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như hóa chất hoặc nhà sản xuất thép, cũng có thể chuyển ra nước ngoài, nơi họ có thể cạnh tranh với các đối thủ ở các quốc gia khác với chi phí năng lượng thấp hơn.
Theo Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng tư nhân Berenberg, nếu giá năng lượng vẫn ở mức cao trong một thời gian, có tới 3% doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức sẽ chuyển ra nước ngoài.
Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn FTI Andersch, các công ty nhỏ đang gặp khó khăn hơn những công ty lớn. Khoảng 25% các công ty có ít hơn 1.000 nhân viên buộc phải hủy hoặc từ chối đơn đặt hàng hoặc đang có kế hoạch làm như vậy, so với 11% của những công ty có trên 1.000 nhân viên.
Nguy cơ phi công nghiệp hóa
Yasmin Fahimi, người đứng đầu Liên đoàn các Công đoàn Đức (DGB), cho biết bà lo ngại hậu quả của quá nhiều thách thức đến cùng một lúc.
“Một số công ty đang ở thế khó. Điều này có nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino có thể dẫn đến sự phi công nghiệp hóa của Đức, đây sẽ là một thảm họa”, bà Fahimi nói.
Bà kêu gọi chính phủ bảo vệ những công ty đang bị đe dọa đặc biệt do sử dụng nhiều năng lượng, "để đảm bảo rằng họ có thể duy trì mức năng lực sản xuất tối thiểu, để khi mọi thứ trở nên tốt hơn, họ có thể phát triển chúng lên một lần nữa”.
Tờ The Economist cũng đưa tin Đức đang đối mặt với nguy cơ phi công nghiệp hóa trước thách thức lớn nhất hiện đang phải đối mặt là chi phí năng lượng tăng cao, trích dẫn từ Hiệp hội ngành Công nghiệp Đức BDI. Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho biết tình hình có vẻ “độc hại” đối với nhiều doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang rung chuyển bởi nhiều yếu tố đáng ngại và khó tránh khả năng suy thoái, nỗi lo phi công nghiệp hóa chắc chắn không dễ giải quyết và cũng không “nhẹ nhàng” như cách quan chức Đức vẫn trấn an người dân, rằng chỉ cần cố gắng tiết kiệm năng lượng thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.