Đức thu giữ tài sản ‘gã khổng lồ’ dầu mỏ Rosneft của Nga

Quỳnh Anh - 16/09/2022 16:11 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Liên bang Đức mới đây cho biết họ đang tiếp quản các chi nhánh tại Đức của tập đoàn Rosneft Nga, bao gồm cả cổ phần trong 3 nhà máy lọc dầu trong bối cảnh nước đang tìm các nguồn thay thế và đảm bảo rằng quyền sở hữu của Nga đối với các nhà máy lọc dầu quan trọng của họ không bị ảnh hưởng.

VNF
Đức thu giữ tài sản ‘gã khổng lồ’ dầu mỏ Rosneft của Nga.

Cụ thể, các chi nhánh này bao gồm Rosneft Germany (RDG) và RN Refining & Marketing GmbH, những nhà nhập khẩu dầu thô từ Nga sang Đức với sản lượng trị giá vài trăm triệu EUR mỗi tháng.

Cơ quan quản lý liên bang Đức cũng sẽ có cổ phần tương ứng trong ba nhà máy lọc dầu PCK Schwedt, MiRo (Karlsruhe) và Bayernoil (Vohburg), theo Bộ Kinh tế nước này.

Được biết, Rosneft Đức nắm cổ phần phần lớn của nhà máy lọc dầu PCK Schwedt với 54,17%, 28,5% cổ phần tại nhà máy Bayernoil và là cổ đông quan trọng của MiRo.

Trong đó, PCK nhận dầu Nga qua đường ống Druzhba. PCK có khoảng 1.200 nhân viên và được coi là trụ cột kinh tế của khu vực xung quanh Schwedt. Nhà máy lọc dầu cung cấp nhiên liệu cho các khu vực lớn ở Đông Bắc Đức.

Theo thông cáo của Bộ Kinh tế Đức, việc nhà máy lọc dầu PCK hoạt động thất bại có nghĩa là nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ trên toàn quốc và các mặt hàng thiết yếu sẽ bị suy giảm và đặc biệt là nguồn cung ở đông bắc nước Đức sẽ gặp nguy hiểm.

Nhà máy lọc dầu khoáng Oberrhein (Miro) ở Karlsruhe là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Đức, có các cổ đông lớn là Phillips 66, Esso, Rosneft và Shell.

Công ty với quy mô hơn 1.100 nhân viên, sản xuất các sản phẩm như xăng, dầu diesel hoặc dầu sưởi từ dầu thô, tổng cộng khoảng 14 triệu tấn mỗi năm. Miro được cho là nguồn cung cấp quan trọng nhất cho các sản phẩm dầu khoáng ở Tây Nam nước Đức.

Bayernoil là nhà máy lọc dầu lớn nhất ở thị trấn Vohburg của Bavaria trên sông Danube gần Ingolstadt. Cơ sở này sản xuất khí lỏng, xăng, dầu diesel và dầu sưởi.

Quyền uỷ thác sẽ có hiệu lực ngay từ ngày công bố, tức ngày 16/9, và tạm thời sẽ được áp dụng trong vòng 6 tháng.

Lý giải về động thái này, chính quyền Đức cho biết việc tiếp tục hoạt động kinh doanh của các nhà máy lọc dầu đang gặp nguy hiểm do quyền sở hữu của các công ty này.

Các nhà cung cấp dịch vụ quan trọng, công ty bảo hiểm, ngân hàng, cũng như khách hàng không còn sẵn sàng làm việc với Rosneft, các nhà máy lọc dầu có sự tham gia của Rosneft cũng như với các công ty con của Rosneft tại Đức. Do đó, theo Đạo luật An ninh năng lượng mới sửa đổi, chính quyền Đức có thể tiếp quản các công ty năng lượng này.

Hành động mới của chính phủ Đức diễn ra trước bối cảnh Đức sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 tới đây và lệnh cấm nhập khẩu dầu Moscow của châu Âu sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. 

Xem thêm >> ‘Gã khổng lồ’ khí đốt Đức lại cầu cứu chính phủ dù đã được hỗ trợ

Theo BMDK, Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác