Đức chỉ trích ông Trump đã ‘phá hủy niềm tin chỉ bằng 280 ký tự trên Twitter’

Lê Anh - 11/06/2018 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau quyết định không công nhận Tuyên bố chung được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo G7 ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các quốc gia thành viên G7, đặc biệt là Pháp và Đức.

VNF
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ngày 9/6, Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 tại Canada đã bế mạc và ra tuyên bố chung đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, tất cả 7 nước đều thống nhất với tuyên bố chung. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Donald Trump cho hay, ông đã chỉ thị Đại diện của Nhà Trắng không tán thành tuyên bố chung do những phát biểu của Thủ tướng Trudeau.

Tuyên bố của ông Trump trên Twitter chiều 9/6.

"Do những tuyên bố sai lệch của ông Justin tại cuộc họp báo, và thực tế rằng Canada đang áp hàng loạt thuế với người nông dân, công nhân và doanh nghiệp Mỹ, tôi đã chỉ đạo cho các nhà hoạch định chính sách đảng Cộng hòa không công nhận Tuyên bố chung (G7) bởi chúng tôi tính áp thuế lên các ô tô đang tràn ngập thị trường Mỹ”, Ông Trump viết trên trang cá nhân Twitter.

Sau đó, ngày 10/6, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã cáo buộc Canada đưa ra những phát ngôn "gây xung đột" về chính sách thương mại của Mỹ: "Ông ấy (Thủ tướng Canada Justin Trudeau) thực sự đã đâm sau lưng chúng tôi. Chúng tôi gần đạt được thỏa thuận với Canada về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) một cách song phương, nhưng khi chúng tôi rời đi, ông Trudeau đã rút lại.

Đáp lại những chỉ trích này, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói: "Canada rất rõ ràng. Chúng tôi đưa ra tranh luận dựa trên thực tế". Bà Freeland cũng cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico viện dẫn lý do an ninh quốc gia là phi lý.

Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: "Người Canada chúng tôi lịch sự, biết điều nhưng chúng tôi cũng sẽ không để bị chèn ép". Ông khẳng định nước này, cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến tới với đòn trả đũa bằng thuế quan với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các quốc gia thành viên G7.

Cùng ngày, Phủ tổng thống Pháp chỉ trích hành động rút lại ủng hộ Tuyên bố chung G7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "hành động bất hợp lý và gây bất ổn”.

Trong thông cáo phát ra ngày 10/5, Phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh:

"Hợp tác quốc tế không thể chỉ phụ thuộc vào sự giận dữ và vài từ ngữ. Hãy nghiêm túc và tỏ ra xứng đáng với người dân của chúng ta. Chúng ta đã dành hai ngày để đạt được một bản thảo và những cam kết. Chúng ta tuân thủ chúng. Và bất cứ ai bỏ đi, quay lưng với chúng đều cho thấy sự mâu thuẫn của họ".

Các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng cho rằng ông Trump "đang hủy hoại niềm tin" giữa các quốc gia: "Đây không phải điều thực sự bất ngờ. Chúng ta từng thấy điều này với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong vài giây, bạn có thể phá hủy niềm tin chỉ bằng 280 ký tự trên Twitter. Để xây dựng niềm tin trở lại cần rất nhiều thời gian".

Sau khi công kích quyết định của Tổng thống Mỹ, hai nước Đức và Pháp cũng ra tuyên bố châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Tuyên bố chung của Hội nghị G7, bất chấp phản đối từ Mỹ.

Tuyên bố chung dài 8 trang của G7 khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu "tự do, công bằng và cùng có lợi", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sớm nhất có thể và "nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ".

Lãnh đạo G7 kêu gọi Nga chấm dứt việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cho rằng nhiều khả năng Nga phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự ở Salisbury, Anh với lý do "không có cách giải thích hợp lý nào khác". Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ tiếp tục "can dự với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và thách thức toàn cầu".

Các nhà lãnh đạo G7 cũng thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ đã không tham dự toàn bộ các phiên thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tình hình đại dương và bình đẳng giới cũng như không dự phiên bế mạc hội nghị.

Xem thêm >> Thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘ngốn’ bao nhiêu tiền của Singapore?

Cùng chuyên mục
Tin khác