Đức kiên quyết ‘nói không’ với Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp nguy cơ khủng hoảng năng lượng

Minh Đăng - 10/08/2022 15:22 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Đức khẳng định họ cam kết thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga đồng thời không cấp phép hoạt động cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bất chấp "những tháng khó khăn" phía trước.

VNF
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Đức đã đóng băng các thủ tục liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 và đình chỉ chứng nhận đường ống này.

“Đức sẽ không đưa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga đi vào hoạt động ngay cả khi tình hình cung cấp năng lượng xấu đi trong những tháng tới”, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Hebestreit phát biểu trong buổi họp báo ngày 8/8.

Ông Hebestreit thừa nhận rằng chính phủ Đức sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng vào mùa Đông tới trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Tuy nhiên, Đức hiện đang tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế khí đốt của Nga, đặc biệt là việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho việc nhập khẩu khí LNG.

Người phát ngôn của Chính phủ Đức khẳng định nước này đứng về phía Ukraine, ủng hộ các lệnh trừng phạt đã cùng thông qua ở EU và tham vấn cộng đồng quốc tế.

Khi được hỏi rằng nếu tình hình nguồn cung khí đốt trong khu vực trở nên phức tạp hơn trong mùa thu và mùa đông sắp tới, liệu Thủ tướng Đức Olaf Scholz có giữ vững quan điểm không sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, ông Hebestreit nhấn mạnh rằng: “Thủ tướng sẽ không sử dụng”.

Trước đó, theo hãng tin DPA của Đức, trong bức thư gửi Bộ trưởng Kinh tế liên bang Robert Habeck và Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern ngày 27/7, trong những đề xuất đưa ra để khắc phục tình trạng hạn chế khí đốt ở thời điểm hiện tại, 7 thị trưởng từ đảo Ruegen của Đức đã kêu gọi nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Các thị trưởng cho rằng việc từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga sẽ đồng nghĩa với việc giá sinh hoạt bùng nổ, dẫn đến bất ổn xã hội và những bất ổn này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 7, Tổng thống Nga Vladirmir Putin cũng cho rằng việc dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu sụt giảm là do lỗi của chính phương Tây đồng thời đề cập tới đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 như một gợi ý giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng năng lượng.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, Tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, Gazprom đã thanh toán một nửa chi phí xây dựng đường ống, phần còn lại sẽ do các tập đoàn châu Âu thanh toán.

Cuối tháng 12/2021, người đứng đầu Gazprom, ông Alexei Miller thông báo rằng đường ống đã hoàn toàn sẵn sàng hoạt động.

Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Đức đã đóng băng các thủ tục liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 và đình chỉ chứng nhận đường ống này.

Xem thêm >> Ukraine ngừng vận chuyển dầu Nga sang 3 nước châu Âu

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác