Đức: Nợ cũ chồng nợ mới do các lệnh trừng phạt lên Nga

Mộc An - 25/04/2022 09:57 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn nguồn thạo tin cho biết Đức có thể sẽ phải vay thêm 40 tỷ euro (43 tỷ USD) trong năm nay để giảm bớt tác động của chiến sự Ukraine, đưa tổng số nợ lên gần 140 tỷ euro (hơn 151 tỷ USD).

VNF
Đức đang phải đối mặt với hiện tượng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt.

Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các nhà chức trách Đức đã phải phá bỏ những cấm kỵ trong chính sách tài khóa lâu đời và phải vay nợ ở mức chưa từng có với nợ ròng lên tới gần 140 tỷ USD vào năm 2020 và vọt lên mức kỷ lục gần 232 tỷ USD vào năm 2021.

Chính quyền Đức đã đình chỉ các quy dịnh về hạn chế nợ mới trong 3 năm liên tiếp để đối phó với tình trạng suy kiệt tài chính do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, loạt lệnh trừng phạt áp dụng lên Nga sau khi chiến sự Ukraine nổ ra đã khiến giá nhiên liệu và thực phẩm ở Đức tăng vọt, tiếp tục khiến nền kinh tế Đức lao đao.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Đức sẽ tăng khoản vay nước ngoài lên gần khoảng 43 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế bị suy thoái, đẩy tổng nợ năm 2022 của nước này có khả năng vượt quá 151 tỷ USD.

Theo Bloomberg, điều chỉnh này là cần thiết nhằm hỗ trợ tài chính cho một loạt các biện pháp được đưa ra để xoa dịu ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc giá năng lượng tăng cao.

Theo nguồn tin của Bloomberg, kế hoạch tài chính mới sẽ được các quan chức Đức trình lên nội các vào ngày 27/4. Theo dữ liệu của Bloomberg, với khoản kinh phí bổ sung này, chính phủ Đức sẽ có thể bù đắp phần nào cho các công ty và cá nhân do giá năng lượng tăng cao.

Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Đức sẽ dừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay, tiếp đó sẽ là khí đốt, trong lộ trình chung của châu Âu. Tuy nhiên, loạt biện pháp mạnh tay này khiến nhiều người dân và doanh nghiệp Đức lo ngại.

Theo thông tin của báo Deutsche Wirschafts Nachrichten, khoản chi mà Đức dành để mua dầu của Nga trong năm nay có thể lên tới 14,3 tỷ euro (15,4 tỷ USD), còn hóa đơn nhập khẩu khí đốt có thể lên tới 17,6 tỷ euro (18,9 tỷ USD).

Trong bình luận mới nhất, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng "lệnh cấm vận khí đốt sẽ không thể kết thúc chiến tranh".

"Đức muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại”, ông Scholz nêu rõ.

Theo nhà lãnh đạo Đức, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Đức, cho toàn bộ châu Âu, và nó cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp tài chính cho công cuộc tái thiết của Ukraine.

Xem thêm >> Nga làm căng, EU chấp thuận cho các doanh nghiệp thanh toán khí đốt bằng đồng ruble

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác