Thủ tướng Đức: ‘Cấm khí đốt Nga có thể gây ra khủng hoảng kinh tế ở châu Âu’
Thanh Tú -
23/04/2022 14:55 (GMT+7)
(VNF) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết lệnh cấm khí đốt của Nga không những không ngăn được chiến sự Ukraine mà còn có thể gây ra khủng hoảng kinh tế ở Đức và EU.
“Tôi hoàn toàn không thấy rằng lệnh cấm vận khí đốt sẽ kết thúc chiến tranh. Chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại.
Điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước chúng tôi, cho toàn bộ châu Âu, và nó cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp tài chính cho công cuộc tái thiết của Ukraine”, ông Olaf Scholz phát biểu với tuần báo Der Spiegel của Đức ngày 22/4.
“Đức không thể để điều đó xảy ra”, ông nhấn mạnh thêm và cho rằng một lệnh cấm vận như vậy sẽ có “hậu quả toàn cầu”.
Điều này tương tự với bình luận trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Bà Yellen cho rằng lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga cuối cùng sẽ gây hại nhiều hơn có lợi cho EU.
“Nó thực sự có thể có rất ít tác động tiêu cực đối với Nga, bởi vì mặc dù Nga có thể xuất khẩu ít hơn, nhưng mức giá mà họ nhận được cho hàng xuất khẩu của mình sẽ tăng lên”, bà Yellen nói sau cuộc họp với các quan chức Ukraine ở Washington ngày 21/4.
Ở động thái liên quan, phát biểu bên lề các hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, người đứng đầu bộ phận châu Âu của IMF, ông Alfred Kammer, cho rằng châu Âu có thể cầm cự trong sáu tháng nếu không có khí đốt của Nga, nhưng những tác động kinh tế sau đó sẽ nghiêm trọng.
Theo ông Kammer, trong sáu tháng đầu tiên, châu Âu có thể ứng phó bằng các nguồn cung thay thế và sử dụng khí đốt dự trữ. Tuy nhiên, nếu khu vực này bị mất nguồn cung từ Nga cho đến mùa Đông và trong một giai đoạn dài hơn, những tác động đến nền kinh tế sẽ là đáng kể.
IMF dự báo tổng thiệt hại nếu mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đối với Liên minh châu Âu là 3% GDP, tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa Đông.
Theo tính toán của các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Bỉ, mỗi ngày EU phải trả cho Nga 450 triệu USD tiền dầu và 400 triệu USD tiền khí đốt tự nhiên dù khối này đang thực hiện loạt biện pháp nhằm "cai nghiện" năng lượng Nga.
Các nhà lãnh đạo của EU hiện đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và tiến tới là khí đốt của Nga. Tuy nhiên, việc EU đã phụ thuộc hàng thập kỷ vào năng lượng Nga thì việc cắt đứt nhập khẩu là không hề đơn giản.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone