Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tăng vốn đầu tư: 'Không vay thêm ODA, dùng ngân sách nhà nước'

Chí Bình - 07/08/2022 17:41 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp mà sẽ sử dụng ngân sách nhà nước.

VNF
Thủ tướng thị sát dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Ngày 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và TP. Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo các báo cáo, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Song đến nay đến nay, tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ và đội vốn được xác định do dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong khi các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm nên có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; thực hiện các quy chuẩn, quy trình thi công; quy chuẩn thiết bị, quy trình vận hành, khai thác...

Ngoài ra, các gói thầu vừa phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ từ nhiều quốc gia; giá vật liệu, thiết bị, vật tư thay đổi...

Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cho dự án gặp nhiều khó khăn khi hầu hết mặt bằng thi công là trên các tuyến chính của thành phố có lưu lượng giao thông lớn; tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp... 

Ngoài ra, sự phối hợp chỉ đạo, điều hành của một số bộ và địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, TP. Hà Nội, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP. Hà Nội chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp đã cơ bản thống nhất về định hướng xử lý một số vấn đề. Cụ thể, về mặt tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022.

Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp (do liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá…) mà sử dụng ngân sách nhà nước. 

Về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Về thủ tục, các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với TP. Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Hà Nội và của các bộ ngành.

Về tổ chức thực hiện, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất tại cuộc họp; Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải… vào cuộc với tiến độ công việc cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội phải chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất, tránh chung chung, đùn đẩy trách nhiệm; nếu có vướng mắc thì đơn vị chủ trì phải triệu tập các đơn vị liên quan để giải quyết theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ.

Thủ tướng giao TP. Hà Nội tổng kết các dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, dự án Cát Linh - Hà Đông, TP. HCM tổng kết dự án Bến Thành - Suối Tiên để rút kinh nghiệm triển khai các dự án khác.

Giữa tháng 5 vừa qua, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) từng cho biết đã có kiến nghị gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029. Trong đó, dự án sẽ đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Ngoài ra, MRB cũng đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).

"Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành; do chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu", đại diện MRB thông tin.

Cùng chuyên mục
Tin khác