ESG: Vừa là ‘thuốc bổ’, vừa là ‘thuốc chữa bệnh’
(VNF) - TS. Bùi Thanh Minh cho rằng thực hành ESG vừa là "thuốc bổ" vừa là "thuốc chữa bệnh" cho doanh nghiệp, nhưng để đạt hiệu quả thì cần phải sử dụng thuốc theo liều lượng phù hợp để có một cơ thể khoẻ mạnh.
Khắc phục yếu điểm về quản trị
Theo TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ trong nước thường dao động ở mức trên dưới 50%. Điều này phần nào phản ánh những khó khăn trong quản trị, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên một cách thiếu bền vững.
Ông Minh nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể lý giải được, còn doanh nghiệp tư nhân trong nước, nguyên nhân chủ yếu là từ vấn đề quản trị.
Trong bối cảnh này, thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị) đang được xem như một giải pháp tiềm năng để khắc phục những yếu điểm về quản trị và tạo đà phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
TS Bùi Thanh Minh cho rằng chuyển động theo ESG có thể mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh — loại vốn có tính chất trung và dài hạn, không chỉ dựa trên tín dụng ngắn hạn như trước đây.
Tuy vốn xanh không rẻ nhưng lại là nguồn vốn ổn định, giúp doanh nghiệp khắc phục các vấn đề trong cấu trúc vốn và đối mặt với những thách thức nội tại. Việc thực hành ESG không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thay thế và mở rộng thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Theo TS. Bùi Thanh Minh, việc áp dụng ESG giúp doanh nghiệp Việt Nam mở ra những cơ hội kinh doanh mới và giảm thiểu rủi ro. Thực hành ESG vừa là "thuốc bổ" vừa là "thuốc chữa bệnh" cho doanh nghiệp, nhưng để đạt hiệu quả thì cần phải sử dụng thuốc theo liều lượng phù hợp để có một cơ thể khoẻ mạnh, doanh nghiệp khoẻ mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất Sản phẩm Công nghiệp Chủ lực TP. Hà Nội, việc triển khai ESG không phải chỉ để đáp ứng các yêu cầu bắt buộc, mà còn là yếu tố tự nguyện xuất phát từ nhận thức đúng đắn của doanh nghiệp về giá trị bền vững. Trong bối cảnh tiêu dùng hiện đại, các chuẩn mực đạo đức của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mà còn chú trọng đến các giá trị khác như tính bền vững, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Ông Đức Minh chỉ ra rằng, đầu tư vào ESG là cách mà doanh nghiệp tạo ra giá trị vô hình cho khách hàng, vượt ra ngoài phạm vi sản phẩm hoặc dịch vụ thông thường. Ví dụ, các doanh nghiệp áp dụng ESG có thể thu hút được sự quan tâm của nhóm khách hàng trẻ tuổi, những người có ý thức rõ ràng về các vấn đề xã hội và môi trường. Đối với các doanh nghiệp, việc truyền thông và cam kết về ESG cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Lộ trình và chiến lược thực hiện ESG
Việc triển khai ESG không phải là một hành trình ngắn hạn mà đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và cụ thể, từ 5 đến 10 năm tùy vào năng lực và mục tiêu của từng doanh nghiệp. Ông Đức Minh nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp không cần phải lo lắng quá nhiều về việc thay đổi toàn diện ngay lập tức. Các đơn vị thẩm định ESG cũng sẽ đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện, do đó việc triển khai đối với doanh nghiệp là không quá khó khăn.
“Trong lộ trình 5 năm, sẽ có những ưu tiên cho từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp có thể triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Lộ trình ESG tiếp theo có thể triển khai là các vấn đề về tài chính hay nhà máy”, ông Nguyễn Đức Minh cho biết.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất, đơn cử như áp dụng các giải pháp năng lượng bền vững như chuyển sang sử dụng than trấu hoặc các nguồn năng lượng thay thế khác nhằm giảm thiểu phát thải.
Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh vai trò của việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác, cả trong và ngoài nước. Các diễn đàn và hội thảo về ESG chính là nơi để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất với đặc thù của Việt Nam.
Mặc dù câu chuyện của Việt Nam được nhận định rằng khác hoàn toàn với Hàn Quốc, Trung Quốc hay Mỹ, tuy nhiên bài toán lớn nhất là chia sẻ, kết nối và biến ý tưởng thành khả thi.
Còn theo TS. Bùi Thanh Minh, việc đầu tiên khi thực hành ESG là phân tích mô hình kinh doanh doanh nghiêp, tác động và mục đích khi áp dụng ESG vào quy trình quản trị.
Tiếp theo, khi xác định được mục đích thực hành ESG, nếu để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp có thể tham khảo cách làm của những người đi trước, như các doanh nghiệp lớn FPT, Vinamilk, Sợi Thế Kỷ… TS. Bùi Thanh Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp phải phân tích trọng yếu để nhà đầu tư, người mua, khách hàng, cổ đông nhìn thấy và được thuyết phục bằng số liệu đã đưa ra.
Thứ ba, cũng là yếu tố mà doanh nghiệp đang thực hiện rất yếu là cơ sở dữ liệu. Theo TS Bùi Thanh Minh, phương pháp quản trị mà phần nhiều doanh nghiệp trong nước hay dùng là áng chừng, do đó khó định vị được các vấn đề phát sinh. Trong khi đó, quản trị doanh nghiệp phải dựa trên dữ liệu. Các yếu tố về trách nhiệm xã hội có thể dựa trên câu chuyện, nhưng những vấn đề còn lại phải là “data kể chuyện”.
Doanh nghiệp Việt trong xu hướng ESG: Kiểm toán viên như 'người gác cổng'
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.