EU quyết hạ bệ 'đế chế khí đốt' của Nga, lại vướng rào cản Hungary

Bích Hợp - 15/05/2024 11:08 (GMT+7)

(VNF) - Hungary lên tiếng phản đối các biện pháp “có thể có tác động tiêu cực đến thị trường khí đốt của Liên minh châu âu (EU)”, một lập trường được cho là có thể ngăn cản nỗ lực của EU nhằm siết chặt doanh thu từ khí đốt của Nga.

Nỗ lực chưa từng có của EU nhằm trừng phạt ngành khí đốt sinh lợi của Nga có thể lại vấp phải rào cản quen thuộc là Hungary.

Một số nguồn thạo tin cho hay nước này bày tỏ sự dè dặt đáng kể về đề xuất mới trong các cuộc thảo luận đầu tiên giữa các đại sứ EU vào tuần trước. Dù họ không phản đối thẳng thừng biện pháp này nhưng thể hiện rõ sự quan ngại. Đặc phái viên hàng đầu của Hungary cho biết nước ông sẽ ngăn chặn mọi hình phạt làm tăng chi phí năng lượng ở châu Âu.

Hai nhà ngoại giao am hiểu về các cuộc thảo luận dẫn lời quan chức Hungary cho hay: “Chúng tôi sẽ phân tích những đề xuất này nhưng không ủng hộ bất kỳ điều gì có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường khí đốt của EU” .

Các lệnh trừng phạt sẽ cấm các nước EU tái xuất khẩu LNG của Nga, có khả năng khiến Moscow mất đi lợi nhuận đáng kể. (Ảnh: Politico)

Các lệnh trừng phạt sẽ cấm các nước EU tái xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, có khả năng khiến Moscow mất đi lợi nhuận đáng kể. Nhưng chúng sẽ không ngăn cản việc EU mua khí đốt của Nga hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh doanh của Hungary.

Tuy nhiên, Hungary vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng xuất khẩu của Nga và từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Moscow, vốn đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí từ tất cả 27 nước EU.

Theo những người có mặt tại các cuộc thảo luận, một số quốc gia khác, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, cũng yêu cầu thêm thông tin kỹ thuật về các biện pháp trong cuộc đàm phán ban đầu. Nhưng Hungary là bên tỏ ra do dự nhất.

“Khi nói đến năng lượng, họ lo lắng. Họ lo ngại lệnh trừng phạt sẽ gây bất ổn cho thị trường, thậm chí là gián tiếp”, một nhà ngoại giao EU nói với Politico.

“Nỗi khổ tâm” của Hungary

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất các lệnh trừng phạt LNG vào tuần trước, đánh dấu nỗ lực đầu tiên của khối nhằm vào ngành khí đốt sinh lợi của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: The Times of Israel)

Sự thúc đẩy này là một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của EU, xuất hiện khi có nhiều bằng chứng cho thấy nỗ lực cắt giảm nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Điện Kremlin, được sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, đang thất bại.

Cho đến nay, Brussels vẫn tránh xa việc trừng phạt LNG, do lo ngại giá tăng cao và một số quốc gia cần nó để tiếp tục hoạt động. Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những trung tâm nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga, phần lớn sau đó được tái xuất khẩu sang các nước trong đó có Đức và Ý.

Tuy nhiên, cả Đức và Ý gần đây đều đưa ra đề nghị hỗ trợ tạm thời cho các biện pháp trừng phạt LNG. Ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tình báo ICIS, cho biết thị trường LNG của châu Âu ổn định hơn nhiều so với thời điểm sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, giúp khối này có quyền tự do hơn trong việc áp đặt các hạn chế.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy thị trường LNG toàn cầu sẽ trở nên ổn định hơn rõ rệt kể từ năm 2026, nghĩa là cung nhiều hơn cầu, điều đó đồng nghĩa với việc giá mặt hàng này có thể rẻ hơn trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Marzec-Manser cũng cảnh báo trong khi thị trường năng lượng ở các nước Trung Âu như Hungary đã ổn định trong những tháng gần đây, bất kỳ thay đổi nào về nguồn cung đều có thể khiến giá cả đối với người tiêu dùng “rất, rất biến động”.

Không giống như các nước EU khác, Hungary đã từ chối tự nguyện rút khỏi các hợp đồng khí đốt của Nga sau cuộc chiến ở Ukraine. Nước này thậm chí còn đạt được các thỏa thuận mới với tập đoàn nhiên liệu hóa thạch khổng lồ Gazprom của Moscow để tăng nguồn cung trong thời điểm nhu cầu cao điểm. Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Budapest chấm dứt sự phụ thuộc vào Điện Kremlin.

Tuần trước, khi đề xuất gói trừng phạt mới nhất bắt đầu được lưu hành, Hungary đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với việc nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Nga.

“Hungary coi tất cả các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến ngành năng lượng là có hại, vì chúng hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của châu Âu và dẫn đến tăng giá và rủi ro về nguồn cung”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hungary Máté Paczolay nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã đưa ra nhận xét tương tự ở Moscow vào năm ngoái, nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng của Hungary “đòi hỏi việc vận chuyển khí đốt, dầu và nhiên liệu hạt nhân không bị gián đoạn”.

Ông nói thêm: “Để đáp ứng ba điều kiện này, hợp tác năng lượng Hungary-Nga phải không bị gián đoạn. Nó không liên quan gì đến sở thích chính trị".

Theo Politico
EU tính giáng đòn lên LNG Nga, ai là người hưởng lợi?

EU tính giáng đòn lên LNG Nga, ai là người hưởng lợi?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov khẳng định rằng việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho các nhà sản xuất Mỹ.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.