EU thúc giục Trung Quốc 'quay lưng' với Nga

Quang Đăng - 09/12/2023 09:05 (GMT+7)

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này có thể trừng phạt hơn chục công ty có trụ sở tại Trung Quốc vì đã cung cấp cho Nga hàng hóa có thể được sử dụng trong chiến sự tại Ukraine.

VNF
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tiếp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh, ngày 7//12.

Ngày 7/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Theo Bloomberg, trong hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với Trung Quốc sau 4 năm, các nhà lãnh đạo hàng đầu EU sẽ gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc rằng “không còn nhiều thời gian để Bắc Kinh giải quyết những bất đồng về kinh tế trước khi khối 27 quốc gia này buộc phải phản ứng”.

Cũng tại hội nghị, bà Von der Leyen cho biết bà đã thúc giục ông Tập “ngăn chặn mọi nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu tác động của các lệnh trừng phạt”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa danh sách 13 công ty mà khối này cáo buộc bán “hàng hóa lưỡng dụng” cho Nga và yêu cầu Bắc Kinh “ngay lập tức” giải quyết vấn đề này, theo Politico EU.

“Chúng tôi đã xác định được danh sách các công ty bị nghi ngờ có vai trò trong việc lách các lệnh trừng phạt của chúng tôi. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng ngày hôm nay chúng tôi được lắng nghe và sau đó Trung Quốc sẽ có hành động thích hợp”, ông Michel nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh thêm rằng nếu Bắc Kinh không trấn áp các công ty, “các quốc gia thành viên sẽ phải quyết định những hành động tiếp theo sẽ được thực hiện”.

Cho tới nay, Mỹ và các đồng minh EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và gửi hàng tỷ euro và USD để hỗ trợ chính phủ ở Kiev. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối áp dụng các lệnh cấm vận và lên án đây là “các biện pháp đơn phương”.

“Trung Quốc phản đối việc vi phạm các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại”, ông Lý Khắc Cường tuyên bố sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh “hy vọng rằng châu Âu sẽ thận trọng trong việc đưa ra các chính sách thương mại hạn chế và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Đề cập tới thâm hụt thương mại giữa EU và Trung Quốc, vốn đã tăng gấp đôi lên gần 400 tỷ euro từ năm 2020 đến năm 2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay sự mất cân bằng là kết quả của “môi trường kinh tế vĩ mô, điều kiện thương mại quốc tế và cơ cấu công nghiệp của hai bên”, đồng thời lưu ý rằng thâm hụt gia tăng “bị ảnh hưởng phần lớn bởi giá năng lượng và các yếu tố địa chính trị”. EU đã phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng vọt sau khi quyết định cấm vận nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

“Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm về động lực không đủ cho tăng trưởng công nghiệp của EU và EU không nên coi đây là cái cớ để áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại”, ông Uông tuyên bố đồng thời nhấn mạnh thêm rằng nếu khối muốn giảm sự mất cân bằng, họ có thể “ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao".

Xem thêm >> ‘Nga thành trung tâm tăng trưởng mới khi phương Tây ngủ quên trên vòng nguyệt quế'

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác