Công nghệ

Fintech VO247 cạn tiền, xin phá sản: Fiin Credit muốn vào giải cứu

(VNF) - Hiện tại, tổng tài sản cầm cố trên hệ thống của VO247 ước tính khoảng 120 tỷ đồng, nhưng số tiền mà VO247 cần phải trả cho nhà đầu tư trên hệ thống lên tới khoảng 150 tỷ đồng. Trước bối cảnh này, CEO VO247 Tạ Thanh Long bày tỏ không muốn tiếp tục duy trì công ty và đề xuất cho công ty phá sản.

Fintech VO247 cạn tiền, xin phá sản: Fiin Credit muốn vào giải cứu

CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh khẳng định sẽ tham gia "giải cứu" VO247.

Thông tin ứng dụng vay và cho vay online VO247 của Công ty Cổ phần Công nghệ tài chính VO247 tạm ngừng cho phép người đầu tư rút tiền về đang gây xôn xao trên thị trường vay ngang hàng P2P tại Việt Nam.

Cụ thể, VO247 cho biết thị trường khủng hoảng khiến doanh nghiệp gặp biến động về dòng tiền. Dòng tiền đầu tư đang được cho vay vào đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp có tài sản như nhà hoặc xe. Thời điểm này, khách hàng vay cũng gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay. Điều này tạo nên tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ của VO247.

Giữa bối cảnh này, ngày 30/11, Công ty Cổ phần đổi mới công nghệ tài chính Fiin (Fiin Credit) tuyên bố sẽ tham gia cùng VO247 để giải quyết cho nhà đầu tư.

Lý giải về việc tham gia "giải cứu" cho VO247, CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh cho biết ông muốn giúp đỡ doanh nghiệp cùng ngành, góp phần bảo vệ thị trường chung bởi các khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này vẫn chưa được hình thành đầy đủ. 

"Trong trường hợp VO247 phá sản, rất có thể điều này sẽ tác động tới cả thị trường chung, dẫn đến sự sụp đổ chung của thị trường và tâm lý của người đầu tư, đó là lý do Fiin vào cuộc trợ giúp", CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh nói.

Sau khi làm việc với VO247, lãnh đạo Fiin Credit cho biết hiện tài sản cầm cố trên hệ thống của VO247 ước tính là khoảng 120 tỷ đồng, số tiền mà VO247 cần phải trả cho nhà đầu tư trên hệ thống là khoảng 150 tỷ đồng. Fiin Credit sẽ tham gia vào việc duy trì hoạt động của VO247 để thực hiện việc thu hồi nợ, thanh lý tài sản và hoàn trả tiền.

CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh khẳng định nếu VO247 không trả được hết số tiền mà nhà đầu tư tham gia vào hệ thống, cá nhân ông và Fiin Credit sẽ đứng ra trả lại số tiền này cho nhà đầu tư trong lộ trình 12 tháng.

Tại Việt Nam thời gian gần đây, mô hình P2P Lending  (Peer-to-Peer Lending/P2P Lending) đang trở nên "quen mặt" hơn với sự xuất hiện của nhiều cái tên như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan, Vo247...

Phương thức cho vay ngang hàng P2P Lending là phương thức cho vay được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính.

Thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty P2P Lending, bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Mô hình hoạt động của các công ty P2P Lending là làm trung gian kết nối giữa người vay và người cho vay, thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Quy trình cho vay, giải ngân được tối giản, tiết kiệm thời gian hơn so với thủ tục vay qua các tổ chức tín dụng hay công ty tài chính.

Tin mới lên