Fivimart về tay Vingroup: Bản đồ hàng Việt tiếp tục được vẽ lại?

PV - 12/10/2018 21:05 (GMT+7)

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc Vingroup mua lại Fivimart là một tín hiệu tích cực đối với hệ thống phân phối hàng Việt.

VNF
Fivimart đã chính thức về tay Vingroup

Để có một cách nhìn đầy đủ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) liên quan đến việc phát triển mạng lưới phân phối.

- Bà có đánh giá như thế nào về việc tập đoàn Vingroup mua lại Fivimart?

Bà Lê Việt Nga: Các hoạt động mua bán, sáp nhập (hay còn gọi là M&A) là hoạt động diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam và việc này thường xuyên diễn ra theo nhu cầu kinh doanh, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp theo từng giai đoạn.

Thực tế, có những doanh nghiệp giai đoạn này sở hữu chuỗi đó, nhưng giai đoạn sau bí vốn lại bán đi, một thời gian sau có vốn mua lại, đó là chuyện đã xảy ra với Central Group ngày xưa sở hữu chuỗi BigC.

Sau thời gian khủng hoảng kinh tế, họ phải bán chuỗi đó đi cho người Pháp, đến khi mua lại thì mới mua lại được chuỗi ở Việt Nam là BigC Việt Nam. Theo tôi đó là chuyện bình thường trong kinh doanh.

- Nhưng việc một chuỗi bán lẻ từ thuộc sở hữu của nước ngoài quay trở về với một doanh nghiệp Việt trong ngành bán lẻ sẽ hỗ trợ ra sao cho hàng Việt?

Có thể thấy, Fivimart đã một thời gian dài là chuỗi phân phối của Việt Nam, trong mấy năm qua họ chỉ cho Aeon cổ phần 30% chứ không phải tất cả, vẫn là người Việt Nam sở hữu. Khi cơ cấu vốn, họ muốn bán lại 30% cho Aeon rút trở lại và bán cho Vingroup.

Điều đáng mừng là Vingroup, với chiến lược của họ sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa vì đây là chuỗi thuần Việt, lại bán hàng Việt thì mình ủng hộ vì đã hỗ trợ rất lớn cho người Việt Nam. Vinmart hiện nay cũng là niềm tự hào của ngành bán lẻ Việt Nam, song song với Saigon Coop.

- Việc này cũng giúp tăng tỷ lệ hàng Việt trên hệ thống phân phối không, thưa bà?

Hiện tại, BigC hay Lotte có tỷ lệ khá tương đồng, trong khi Vingroup thì nhỉnh hơn một chút… Thống kê cho thấy Saigon Coop hiện là kênh phân phối có tỷ lệ hàng Việt cao nhất với 85 - 90% và Aeon cũng khoảng trên 80%.

Theo tôi, đó là ý nghĩa mà cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mang lại, bởi dù doanh nghiệp có là chuỗi bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài hay thuần Việt thì cũng nhập hàng Việt vào bán cho người Việt. 

Như vậy, việc làm này cũng đáng ghi nhận về sự đóng góp cho cộng đồng. Điều này cũng cho thấy ý thức của người tiêu dùng Việt Nam là cũng ủng hộ cho hàng Việt.

- Xin cảm ơn bà!

Theo VietnamPlus
Cùng chuyên mục
Tin khác