Tài chính

FLC bị cưỡng chế thuế hơn 768 tỷ đồng

(VNF) - Do không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo đã được gửi, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã bị Cục thuế TP Hà Nội ra 2 quyết định cưỡng chế thuế với tổng số tiền lên tới hơn 768 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 ngày.

FLC bị cưỡng chế thuế hơn 768 tỷ đồng

Theo thông báo từ Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), doanh nghiệp này cho biết ngày 8/1 đã nhận quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 678,5 tỷ đồng, tăng 87,7 tỷ so với quyết định cưỡng chế ban hành ngày 14/7/2023. Trong quyết định ngày 14/7/2023, FLC có số tiền quá hạn nộp hơn 590 tỷ đồng.

Lý do cưỡng chế bởi FLC không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo đã được gửi.

Đây là số tiền đơn vị không chấp hành nộp theo thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Cục Thuế Hà Nội, Chi cục Thuế TP Hạ Long, Chi cục Thuế Khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình và thông báo nộp tiền thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế TP Quy Nhơn (Bình Định).

Trước đó, ngày 5/1, FLC cũng nhận được các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng thuế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ở các ngân hàng.

Tổng số tiền cưỡng chế gần 90 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 61 tỷ đồng là tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân và phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.

Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Như vậy, chỉ trong 3 ngày, FLC đã bị Cục thuế TP Hà Nội ra 2 quyết định cưỡng chế thuế với tổng số tiền lên tới hơn 768 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng tiền thuế đối với doanh nghiệp này với lý do tương tự.

Từ tháng 2/2023, cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) do chưa công bố các báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021, năm 2022 cùng BCTC quý I, II, III/2023 và BCTC bán niên 2023 đã được soát xét.

Sau khi rời HoSE, gần 710 triệu cổ phiếu FLC chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM nhưng tiếp tục nằm trong diện đình chỉ giao dịch vì vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.

Tình hình tài chính của FLC hiện vẫn là một ẩn số bởi doanh nghiệp này không công bố báo cáo tài chính từ cuối năm 2022.

Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố vào cuối quý III/2022, công ty này có tổng tài sản 36.216 tỷ đồng và nợ phải trả hơn 28.270 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của FLC tại thời điểm đó là 7.944 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.086 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo FLC cho biết việc các báo cáo tài chính đến nay vẫn chưa được phát hành do công ty và đơn vị kiểm toán chưa đạt sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán.

Tuần trước, FLC tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường để trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên Hội đồng quản trị, một thành viên ban kiểm soát và thông tin về kết quả tái cơ cấu cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024. Nhưng phiên họp này không thể tiến hành do chỉ có 94 người đại diện cho khoảng 32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đến tham dự, trong khi quy định cần tối thiểu 50% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tin mới lên