Tài chính

FLC xin tạm dừng giao dịch cổ phiếu nếu có dấu hiệu bất thường: Luật sư nói gì?

Theo luật sư, giao dịch hơn 100 triệu cổ phiếu FLC ngày 1/4 chỉ được coi là bất thường nếu phát hiện hành vi thao túng, làm giá, hoặc bên mua vi phạm quy định về công bố thông tin.

FLC xin tạm dừng giao dịch cổ phiếu nếu có dấu hiệu bất thường: Luật sư nói gì?

Ngày 1/4, Tập đoàn FLC vừa gửi công văn tới Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đề nghị kiểm tra giao dịch đột biến trong ngày đối với cổ phiếu FLC.

Cụ thể, Tập đoàn này đề nghị UBCKNN và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại điều 7 Luật chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp).

Theo đó tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Được biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, khối lượng cổ phiếu FLC khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị (14% vốn điều lệ) và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu.

Theo dữ liệu giao dịch, bên mua khớp lệnh hàng trăm nghìn cổ phiếu/lệnh liên tục chỉ trong khoảng vài phút cuối phiên sáng và hơn 1 phút đầu phiên chiều. Hơn 52,8 triệu cổ phiếu FLC khớp lệnh giá sàn 10.250 đồng/cổ phiếu trong ngày 1/4.

Về sự việc này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, giao dịch hơn 100 triệu cổ phiếu FLC ngày 1/4 chỉ được coi là bất thường nếu phát hiện hành vi thao túng, làm giá, hoặc bên mua vi phạm quy định về công bố thông tin... Cụ thể, trường hợp bên mua vào là tổ chức, cá nhân, nhóm người liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không thông báo về giao dịch dự kiến.

Tuy nhiên, theo ông Đức khả năng này khó xảy ra. “Nhà đầu tư nhỏ lẻ có khả năng đã “sợ” cổ phiếu FLC, nhưng các tay to, có tiềm lực trên thị trường có thể vẫn nhìn thấy cơ hội ở cổ phiếu này.

Lượng lớn cổ phiếu FLC được sang tay trong phiên 1/4 qua nhiều lệnh khớp, có thể do nhiều cá nhân, tổ chức mua. Sau đó, nếu các bên mua ủy quyền, giao dịch thoả thuận theo đúng quy định, trở thành cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên, có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát”, ông Đức phân tích.

Về việc FLC đề nghị tạm dừng giao dịch cổ phiếu để điều tra bất thường, giới đầu tư phân tích về khả năng, Tập đoàn này muốn “chặn” giá cổ phiếu trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để giữ giá tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng, trước khả năng cổ phiếu giảm thêm thì tài sản cầm cố sẽ phải đánh giá lại.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, đây chỉ là một “thuyết âm mưu”, và xung quanh sự việc này còn có nhiều khả năng xảy ra. Hiện, không có bất kỳ quy định nào, ngay cả quy chế giao dịch tại HoSE cũng không nói về trường hợp tạm ngừng giao dịch một cổ phiếu khi chưa có kết luận điều tra vi phạm. Ông Đức cho rằng, việc thanh khoản FLC đột biến trong phiên 1/4 không nên suy diễn như hành vi trước đó của ông Trịnh Văn Quyết trong phiên "bán chui" hồi tháng 1.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay ngân hàng là cổ phần tại Bamboo Airways, không có thông tin về việc cầm cố cổ phiếu FLC.

Trước việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Đức cho rằng, các ngân hàng liên quan buộc phải rà soát khoản nợ có liên quan đến FLC và cá nhân ông Quyết để xem xét, đánh giá, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Nếu phân loại nợ theo phương pháp định lượng thì chưa rõ dấu hiệu chuyển nhóm nợ. Nhưng nếu phân loại nợ theo phương pháp định tính thì hoàn toàn có thể áp vào dấu hiệu khoản nợ “có khả năng tổn thất” và có thể chuyển sang nợ xấu.

Điều này phụ thuộc vào việc đánh giá khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm, nguy cơ rủi ro cụ thể. Tuy nhiên dù phân loại nợ theo phương pháp nào thì ngân hàng cũng đều có quyền xem xét chuyển sang nhóm nợ xấu hơn.

Theo quy định tại khoản 2 điều 22 về xác lập và hủy bỏ giao dịch của quy chế giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) ban hành kèm theo quyết định số 352 ngày 30/6/2021 của Tổng giám đốc HoSE: Giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, Sở có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.
Tin mới lên