Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Không mấy người biết rằng, xuất phát điểm của một Prime Group tầm cỡ ngày nay lại là một nhà máy gạch ốp lát có quy mô khiêm tốn, được xây dựng vào năm 1999 tại Vĩnh Phúc, dưới tên gọi Công ty TNHH Vĩnh Phúc.
Nhà sáng lập của Công ty TNHH Vĩnh Phúc là vị kiến trúc sư Nguyễn Thế Vinh, người con của vùng đất Vĩnh Phúc. Ông Vinh vốn có niềm hứng thú đặc biệt với ngành xây dựng, từ thuở nhỏ đã thường hay lui tới những lò gốm thủ công và nhận thấy rằng từ đất đá có thể hình thành nên nhiều công trình đẹp.
Khi lớn, ông Vinh chọn nghề xây dựng chuyên ngành vật liệu. Ông cho biết dù khởi nghiệp với nghề thi công các công trình xây dựng, nhưng với sự đam mê trước các loại vật liệu xây dựng, ông đã luôn cố gắng tìm kiếm những vật liệu nào tốt cho công trình của mình. Sau một khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, sản phẩm mà ông Vinh lựa chọn đó là gạch men.
Năm 2006 là cột mốc rất đáng nhớ của Prime. Từ một nhà máy có công suất 2 triệu m2/năm, doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy mới, đa dạng hóa thêm nhiều dòng sản phẩm và được xếp hạng là 1 trong 5 nhà sản xuất gạch ceramic lớn nhất thế giới, theo Tạp chí World Ceramic Review.
Công ty Cổ phần Prime Group lúc này cũng được ra đời, và theo sau là hàng chục đơn vị thành viên khác cũng nối đuôi nhau, "rồng rắn" tiến bước vào thị trường, bao phủ lấy toàn bộ lĩnh vực đầu tư kinh doanh chính như vật liệu xây dựng, sản xuất gạch ốp lát, ngói lợp, bình nước nóng, gạch cotto và bất động sản, đầu tư xây dựng và khai thác khu công nghiệp, khu đô thị.
Đặc biệt, Prime Group còn đầu tư một viện nghiên cứu gốm sứ Việt Nam vào năm 2010, đặt dưới sự quản lý và điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Thời điểm đó, khái niệm đặt viện nghiên cứu tại doanh nghiệp là một khái niệm đột phá, dù rất nhiều doanh nghiệp có thừa nguồn lực để thực hiện.
Với sự tăng trưởng ấn tượng, ngày một lớn mạnh, Prime Group đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Các đối tác ngoại cứ thế tìm đến Prime, trong đó thương vụ đầu tiên và quan trọng nhất chính là việc nhận được khoản đầu tư 20 triệu USD từ quỹ đầu tư của DWS tại Việt Nam, một nhánh của công ty quản lý tài sản Deutsche Asset Management (Asia) Limited, thành viên của tập đoàn ngân hàng Deutsche Bank (Đức).
Tiếp đó, một nhà đầu tư danh tiếng khác là VinaCapital cũng đưa ra đánh giá hết sức khả quan dành cho Prime vào năm 2010, trước khi rót rất nhiều tiền vào doanh nghiệp này của ông Nguyễn Thế Vinh. Ban lãnh đạo khi ấy tràn đầy tự tin, và tuyên bố với báo giới rằng Prime "đang chuẩn bị cho việc IPO vào cuối năm", tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy vậy, khi kế hoạch "đại chúng hóa" vẫn chưa đi đến một kết quả rõ ràng, thì Tập đoàn SCG của người Thái bất ngờ tiến hành thâu tóm Prime trong thời gian ngắn, khiến nhiều nhà đầu tư trong nước tỏ ra tiếc nuối khi chưa thể sở hữu cổ phiếu Prime trên thị trường.
Cụ thể cuối tháng 12/2021, SCG đã chính thức công bố việc ký một thỏa thuận mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá 7,2 tỷ Baht, tương đương 4.900 tỷ đồng thời điểm đó. Vài tháng sau, thương vụ chính thức được hoàn tất.
Tháng 4/2013, Tập đoàn SCG với vai trò là công ty mẹ, đã đứng ra tiếp nhận giấy chứng nhận đầu tư một dự án tại khu công nghiệp Bình Xuyên từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thay cho các lãnh đạo cũ của Prime. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 240 triệu USD, là hoạt động nổi bật đầu tiên của Prime Group dưới sự điều hành của SCG.
Trả lời phỏng vấn, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của SCG, cho biết với khoản đầu tư mới này, SCG đã trở thành tập đoàn sản xuất gạch men lớn nhất thế giới hiện nay, và Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai cung ứng gạch men lớn nhất cho SCG, chiếm đến 33% trong tổng công suất sản xuất 225 triệu m2 gạch của tập đoàn này.
Trước thương vụ M&A tại Việt Nam, vào giữa năm 2011, Tập đoàn SCG cũng đã mua lại nhà máy gạch gốm của Keramika Indonesia Associasi (Indonesia) và đầu năm 2012 lại tăng cổ phần trong Mariwasa-Siam Ceramics (Philippines).
Đến nay đã ngót 10 năm kể từ khi Prime Group về tay người Thái. Nhiều nhà quan sát thị trường lâu năm rất quan tâm về sự chuyển biến của Prime giai đoạn này, từ tình hình kinh doanh, cho đến tiềm lực tài chính. Song các thông tin quan trọng này đều không được ban lãnh đạo công bố.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, "cỗ máy" tạo ra doanh thu lớn nhất cho Prime hiện là Công ty Cổ phần Prime - Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 2015, tuy nhiên đã ngay lập tức mang về thu nhập trên nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp mỗi năm.
Lùi lại năm 2016, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Prime - Vĩnh Phúc lên đến 1.458 tỷ đồng, dù vốn chủ sở hữu chỉ trên 628 tỷ đồng. Ngưỡng doanh thu trên 1.400 tỷ đồng được doanh nghiệp duy trì trong giai đoạn 2017-2019, đặc biệt năm 2018 tăng trưởng lên 1.522 tỷ đồng, trước khi giảm về 1.293 tỷ đồng (2020) và 1.174 tỷ đồng (2021).
Với biên lợi nhuận ròng khoảng trên dưới 13%/năm, Prime - Vĩnh Phúc lần lượt có lãi 187 tỷ đồng, 154 tỷ đồng, 157 tỷ đồng, 141 tỷ đồng, 148 tỷ đồng và 125 tỷ đồng trong các năm 2016-2021. Có thể thấy, doanh nghiệp vẫn kinh doanh khá tốt ở hai năm đại dịch hoành hành.
Prime - Vĩnh Phúc được đặt dưới sự chi phối của Công ty Cổ phần Prime Group, "cánh chim đầu đàn" của tập đoàn. Khác với công ty con trên, Prime Group ghi nhận doanh thu thuần thấp hơn đáng kể với 180 tỷ đồng (2019), 169 tỷ đồng (2020) và 158 tỷ đồng (2021). Điểm sáng là chi phí giá vốn không đáng kể, nên biên lãi gộp gần như đạt mức tối ưu với trên 98%/năm.
Đó là vì Prime Group đóng vai trò holdings, làm chủ cổ phần tại nhiều đơn vị thành viên khác. Bởi vậy, thu nhập chính của doanh nghiệp đến từ hoạt động tài chính, lên đến cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, chẳng hạn 989 tỷ đồng (2019), 919 tỷ đồng (2020), 720 tỷ đồng (2021).
Từ nguồn thu tài chính dồi dào, lợi nhuận sau thuế của Prime Group khá lạc quan với 938 tỷ đồng, 841 tỷ đồng, 652 tỷ đồng giai đoạn 2019-2021. Xu hướng suy giảm liên tiếp, đặc biệt trong thời dịch cho thấy không phải thành viên nào của Prime Group cũng có tình hình kinh doanh tích cực như ở Prime - Vĩnh Phúc.
Về cấu trúc tài chính, tổng tài sản cuối năm 2021 của Prime Group đạt 5.339 tỷ đồng, giảm nhẹ 215 tỷ đồng so với năm trước. Chủ yếu một nửa tài sản nằm ở khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn với 2.675 tỷ đồng, ngang ngửa cùng kỳ. Còn lại một nửa được đầu tư vào các công ty con (2.259 tỷ đồng).
Doanh nghiệp chỉ có gần 32 tỷ đồng là nợ phải trả. Vốn điều lệ thực góp chiếm 1.009 tỷ đồng, và phần lớn nguồn lực tài trợ từ lợi nhuận giữ lại sau các năm, đạt 4.020 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021.
Công ty mẹ của Prime Group là Công ty SCG Building Materials Co.,Ltd, đăng ký trụ sở tại Thái Lan.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.