Tài chính quốc tế

Gánh nặng nợ nần, mỗi năm Trung Quốc mất gần 180 tỷ USD trả lãi

(VNF) - Trung Quốc đang phải "vật lộn" với các khoản thanh toán lãi ngày càng tăng khi chính phủ nước này và các chính quyền khu vực đẩy mạnh phát hành trái phiếu, làm dấy lên lo ngại về việc hạ xếp hạng tín dụng của nước này.

Gánh nặng nợ nần, mỗi năm Trung Quốc mất gần 180 tỷ USD trả lãi

Trung Quốc đang đối mặt với gánh nặng lãi nợ ngày càng cao do tăng cường phát hành trái phiếu kích thích kinh tế.

Lãi nợ lên tới hàng nghìn tỷ NDT

Dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy gánh nặng trả nợ dự kiến ​​sẽ tăng 7,8% vào năm 2024 lên mức kỷ lục 1.270 tỷ NDT (177 tỷ USD).

Con số này tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh lượng phát hành trái phiếu ở Trung Quốc tăng vọt nhằm tài trợ cho kích thích kinh tế và hỗ trợ các chính quyền khu vực đang thiếu tiền mặt.

Chi tiêu công của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 4% vào năm 2024. Thanh toán lãi vay là hạng mục tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng dự kiến ​​là 7,8%, vượt xa mức tăng trưởng dự kiến ​​7,2% trong chi tiêu ngoại giao và quốc phòng.

Chi phí lãi vay hiện tại của Trung Quốc đã gấp 1,5 lần so với năm 2019 và đang tiến gần đến mức chi tiêu cho an toàn công cộng, dự kiến ​​trong năm nay là 1.490 tỷ NDT. Mức tăng này khiến việc chi tiêu linh hoạt cho an sinh xã hội, việc làm, giáo dục và các mục đích khác trở nên khó khăn hơn.

Nhìn chung, doanh thu của chính phủ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 3,3% lên 22.400 tỷ NDT. Nhưng chi tiêu dự kiến ​​lên tới 28.550 tỷ NDT. Sau khi tính cả các khoản chuyển nguồn từ năm trước, con số này dẫn đến thâm hụt 4.060 tỷ NDT.

Gánh nặng từ việc phát hành trái phiếu

Chính quyền các khu vực Trung Quốc phụ thuộc tài chính vào sự chuyển giao từ chính phủ quốc gia. Được biết, Bắc Kinh sẽ gửi 10.200 tỷ NDT cho các chính quyền khu vực vào năm 2024, chiếm hơn 40% tổng doanh thu dự kiến ​​​​của chính phủ.

Loại trừ các yếu tố tạm thời, những khoản chuyển giao này đang trên đà tăng 4,1% vào năm 2024. Những gì không thể bù đắp bằng thuế sẽ cần phải được tài trợ thông qua trái phiếu mới, làm tăng thêm gánh nặng lãi suất cho Trung Quốc.

Việc các chính quyền địa phương ngày càng phụ thuộc nhiều vào chính phủ bắt nguồn một phần từ lĩnh vực bất động sản đang "sa lầy" của nước này.

Theo đó, trước đây, các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng khác của địa phương.

Nhưng kể từ khi "bong bóng" bất động sản tan vỡ, việc bán quyền sử dụng đất của chính quyền cho các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế. Doanh thu của chính quyền khu vực từ việc bán hàng như vậy đã giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2023, ở mức 13,2%, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2017.

Do đó, các chính quyền khu vực vừa phải đối mặt với áp lực nợ, vừa trở nên phụ thuộc hơn vào chính quyền trung ương về phân bổ nguồn tiền. Và một khi Bắc Kinh tăng cường phát hành trái phiếu để kích thích nền kinh tế, gánh nặng lãi của nước này tiếp tục sẽ ngày một tăng cao.

Vào ngày 5/12/2023, Moody's Investor Service đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Cơ quan xếp hạng này thường cập nhật xếp hạng của mình vào năm sau khi đưa ra những cảnh báo như vậy, làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể bị hạ xếp hạng trong năm nay.

Xem thêm >> LGFV: 'Ắc quy' kinh tế Trung Quốc đang 'cạn điện'?

Tin mới lên