Tiêu điểm

GDP 2023 tăng cao nhất 6%: Cả ba kịch bản đều dưới mục tiêu đề ra

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

GDP 2023 tăng cao nhất 6%: Cả ba kịch bản đều dưới mục tiêu đề ra

Ba kịch bản tăng trưởng 2023: Cao nhất 6%.

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự báo, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp.

Bộ cập nhật ba kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

Ở kịch bản 1, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Ở kịch bản cao nhất, GDP cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. 

Về động lực tăng trưởng cho quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Trao đổi với VietnamFinance, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho khẳng định, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng...

Đầu tư nước ngoài cũng được cho là còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế chính vì vậy được nhận định nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn,….

Cùng với việc giảm thuế, hoãn thuế, theo bà Hương cũng cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới.

Việc tận dụng tốt các FTA đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng là giải pháp quan trọng mà lãnh đạo Tổng cục thống kê nhắc tới.

Vì những lý do trên, bà Hương khẳng định: “với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng”.

Tin mới lên