Gemadept lãi 57 triệu USD từ chuyển nhượng vốn, KDF kinh doanh không như kỳ vọng

Trang Lê - 10/10/2017 09:51 (GMT+7)

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, Gemadept vừa hoàn thành một loạt hoạt động chuyển nhượng tài sản đầu trong đầu tháng 10/2017. Trong khi đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của KDF kém khả quan do những khó khăn từ quý II/2017.

VNF
Gemadept ước thu về 57 triệu USD lợi nhuận từ thương vụ chuyển nhượng vốn

Gemadept ước lãi 57 triệu USD từ chuyển nhượng vốn

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, đầu tháng 10/2017, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) đã chuyển nhượng 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics. Tổng giá trị giao dịch là 94 triệu USD, tương đương với tổng vốn hóa thị trường là 185 triệu USD. Đây là mức thấp hơn mức vốn hóa ban đầu 250 triệu USD được công bố trong Đại hội cổ đông năm 2017.

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế thu được từ thương vụ này sẽ đạt khoảng 57 triệu USD, tương đương với 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này đã bán 15% cổ phần còn lại của CJ Tower, thoái vốn hoàn toàn khỏi CJ Tower sau khi đã bán 85% cổ phần trước đó cho CJ vào năm 2013. Lợi nhuận trước thuế ước tính từ thương vụ này là 6,5 triệu USD, tương đương 130 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ hai thương vụ này cùng 100 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng Gemadept – Hoa Sen gần đây, tổng thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng tài sản có thể đạt 1.530 tỷ đồng, sẽ được ghi nhận vào quý IV/2017.

Gemadept dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 8.500 đồng/cổ phiếu trong quý IV/2017.

Hiện tại, Gemadept hoặc CJ Logistics chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc các công ty logistic này sẽ hợp nhất vào mạng lưới CJ Logistics như thế nào và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của công ty này. Các cuộc thảo luận ban đầu với đại diện của Gemadept cho thấy họ kỳ vọng thương vụ này sẽ mở rộng cơ sở khách hàng của công ty này cho cả hai phân khúc logistics và cảng. Đồng thời, năng lực tài chính mạnh mẽ của CJ cũng kỳ vọng sẽ giúp Gemadept Logistics mở rộng nhanh chóng trong tương lai.

Ngoài ra, Gemadept dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 8.500 đồng/cổ phiếu trong quý IV/2017 (bao gồm cổ tức thông thường 1.500 đồng và cổ tức đặc biệt 7000 đồng). Kế hoạch cổ tức ban đầu 10.000 đồng/cổ phần, nhưng đã được điều chỉnh giảm do thay đổi về quy mô giao dịch.

Sau khi chia cổ tức, phần vốn còn lại có thể được tái đầu tư phát triển tại phân khúc cảng. Theo SSI, phần lớn quỹ sẽ được sử dụng để phát triển cảng Gemalink. Công ty này ước tính cần 200 triệu USD để hoàn thành cảng vào năm 2019.

Hiện tại, Gemadept chỉ sở hữu 49,1% trong 2 công ty logistic, từ quý IV/2017 trở đi, Gemadept sẽ không còn hợp nhất phân khúc này vào kết quả kinh doanh, và lợi nhuận từ mảng logistic sẽ được ghi nhận dưới hình thức lợi nhuận từ các công ty liên kết.

Do đó, trong năm 2017, doanh thu của Gemadept ước tính giảm 9,4%, xuống còn 3.399 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 2.104 tỷ đồng nhờ ghi nhận lợi nhuận bất thường từ 3 thương vụ: (1) bán 15% cổ phần tại CJ Tower (100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), (2) bán Gemadept – Hoa Sen (115 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế) và (3) bán mảng logistic (1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Kết quả kinh doanh 9 tháng của KDF thấp hơn kỳ vọng

Theo báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) vừa công bố trả cổ tức tiền mặt 1.400 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 20/10 và ngày thực hiện chi trả là ngày 3/11. Mức giá hiện tại là 59.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ cổ tức/giá là 2,4%.

Trong quý III/2017, doanh thu thuần của Thực phẩm đông lạnh KIDO ước tính đạt 451 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 41,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ mở rộng mạng lưới phân phối với nhiều điểm bán hàng hơn. Từ tháng 4 – tháng 9, số điểm bán hàng của công ty này đã tăng từ 70.000 lên 80.000 điểm và số lượng điểm bán hàng có phân phối thực phẩm mát và đông lạnh cũng tăng lên từ 42.000 lên 52.000 điểm.

Đồng thời, lợi nhuận gộp quý III/2017 đạt 232 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 51,5%, giảm từ 56,6% của quý III năm ngoái chủ yếu do chi phí khấu hao tăng. Từ quý IV/2017, nhà máy Bắc Ninh đã đi vào hoạt động với công suất 7 triệu lít kem và 8 triệu lít sữa chua. Nhà máy này có vốn đầu tư 400 tỷ đồng. HSC ước tính Thực phẩm đông lạnh KIDO sẽ hạch toán 30 tỷ đồng chi phí khấu hao mỗi năm và 7,5 tỷ đồng mỗi quý.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý trong quý III giảm nhờ những khoản chi phí tiết kiệm được. Theo HSC, chi phí bán hàng và quản lý của Thực phẩm đông lạnh KIDO là 146 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu giảm đáng kể xuống 33,6% từ mức 41,4% trong quý III/2016 và 40,9% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Trong quý III/2017, doanh thu thuần của Thực phẩm đông lạnh KIDO ước tính đạt 451 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của Thực phẩm đông lạnh KIDO thấp hơn kỳ vọng dù quý III/2017 cho kết quả kinh doanh tốt. Theo đó, doanh thu thuần 9 tháng đạt 1.230 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 147.000 tỷ đồng, không đổi so với cùng kỳ.

Nguyên nhân xuất phát từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 kém khả quan với doanh thu thuần đạt 779 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 82 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ.

Theo ban lãnh đạo công ty này, trong quý II/2017, Thực phẩm đông lạnh KIDO gặp khó khăn khi cạnh tranh gia tăng và thị phần giảm nhưng sau đó thị phần đã tăng trở lại trong quý III/2017. Tuy nhiên, Thực phẩm đông lạnh KIDO không công bố cụ thể về thị phần của mình.

Pinaco ước tính tăng 25,5% lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, Công ty cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam (Pinaco – PAC) ước tính doanh thu tăng 15,2%, đạt 2.260 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 25,5%, đạt 132,3 tỷ đồng so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 12% và giá bán bình quân cũng tăng 3%.

Theo HSC, lợi nhuận tăng mạnh 25,5% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ ghi nhận 25 tỷ đồng lợi nhuận bất thường trong quý II/2017. Nếu không bao gồm khoản lợi nhuận này, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính sẽ là 107,2 tỷ đồng (tăng 1,6% so với cùng kỳ). Với kết quả này, Pinaco sẽ hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2017,Pinaco ước tính doanh thu tăng 15,2%, lợi nhuận trước thuế tăng 25,5% so với cùng kỳ. 

Hiện Pinaco đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc lựa chọn hãng Furukawa Battery của Nhật Bản làm đối tác chiến lược. Cụ thể, tuần trước, công ty này đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc lựa chọn hãng Furukawa Battery của Nhật Bản làm đối tác chiến lược. Furukawa Battery là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 10,54%.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ thời điểm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn. Thời điểm bán 51,43% cổ phần của Vinachem tại Pinaco vẫn chưa rõ ràng, chưa có dấu hiệu cho thấy Vinachem muốn thoái vốn. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi Pinaco là một trong những công ty mang lại lợi nhuận cho tập đoàn này nên Vinachem muốn giữ cổ phần tại đây. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ ở cấp bên trên Vinachem với mục đích hoàn toàn khác với Vinachem.

Do vậy, HSC cho rằng Vinachem sẽ thoái vốn trong 12 – 24 tháng tới. Trong khi đó, Furukawa Battery có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,9% mà không cần chào mua công khai. Mặc dù chưa có thời điểm thoái vốn cụ thể của Vinachem thì câu chuyện M&A của Pinaco vẫn còn nguyên vẹn.

Cùng chuyên mục
Tin khác