Tài chính quốc tế

Giá Bitcoin hôm nay (2/3): Chân dung kẻ khổng lồ trong ‘nền kinh tế’ Bitcoin

(VNF) - Bitmain là công ty có ảnh hưởng nhất tới nền kinh tế Bitcoin nhờ vào sức mạnh tính toán vượt trội hay hash rate (tỷ lệ băm: tốc độ, sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin), mà họ kiểm soát được.

Giá Bitcoin hôm nay (2/3): Chân dung kẻ khổng lồ trong ‘nền kinh tế’ Bitcoin

Chân dung kẻ khổng lồ trong ‘nền kinh tế’ Bitcoin

Giá Bitcoin hôm nay 2/3 đang ở mức 11.021 USD, với mức giá mở cửa đang là 10.909 USD, đồng tiền này đang tăng 1,04%.

Mức giá cao nhất của Bitcoin đang có là 11.058 USD, chiều ngược lại, mức giá thấp nhất của Bitcoin đang là 10.907 USD.

Số cung Bitcoin hiện tại đang là 16.894.513 đồng, tương ứng mức vốn hóa đạt 186 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với hôm qua.

Giá Bitcoin mới nhất sẽ được tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo của VietnamFinance.

Giá bitcoin hôm nay 2/3 đang vững vàng tiến lên

Chân dung kẻ khổng lồ trong ‘nền kinh tế’ Bitcoin

Năm 2013, thị trường Bitcoin thế giới đang trên đà tăng chóng mặt bỗng suy sụp vì vụ bê bối tại sàn giao dịch Mt.Gox Nhật Bản. Bitcoin rớt giá thê thảm kéo theo cái chết của hàng loạt các công ty sống dựa vào nó, bao gồm cả các công ty thiết kế và kinh doanh phần cứng đào Bitcoin. Nhưng Bitmain lại là một trong những cái tên sống sót qua thảm họa đó. Không chỉ vậy, họ còn vươn lên trở thành hãng đào Bitcoin hàng đầu thế giới.

Được thành lập ở Hong Kong với tên Bitmain Technologies Ltd, cổ đông kiểm soát của Bitmain là một quỹ tín thác được đăng ký tại đảo Cayman. Trụ sở chính của Bitmain là nơi làm việc của 600 nhân viên trong một tòa nhà 4 tầng tại khu công viên công nghệ cao ở Bắc Kinh.

Bitmain là một công ty có kỳ tích về việc sản xuất phần cứng. Bitmain thiết kế tấm silicon được sử dụng trong dàn máy đào Bitcoin của mình, lắp ráp các máy tính, và sau đó bán chúng cho các khách hàng trên khắp thế giới. 

Họ cũng vận hành các dàn máy đào cho riêng mình, tạo nên những mỏ Bitcoin khổng lồ khi đào thuê theo hợp đồng cho những người khác, và cuối cùng, họ quản lý hàng loạt "pool" - các mỏ khai thác lớn nhất thế giới – các tập hợp sức mạnh xử lý lớn đến nỗi chúng có thể cải thiện nhanh chóng tỷ lệ thành công cho việc đào thành công.

Giờ đây, Bitmain có thể là công ty có ảnh hưởng nhất tới nền kinh tế Bitcoin nhờ vào sức mạnh tính toán vượt trội hay hash rate (tỷ lệ băm: tốc độ, sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin), mà họ kiểm soát được. Các mỏ đào Bitcoin của họ, Antpool và BTC.com, chiếm đến 28,9% tổng sức mạnh xử lý trong toàn mạng lưới Bitcoin trên toàn cầu.

Hash Rate là yếu tố rất quan trọng khi Bitcoin đang ở giữa một cuộc "nội chiến". Kiểm soát được lượng hash rate to lớn đó sẽ mang lại cho các thợ đào một tiếng nói có trọng lượng với các đề xuất mang tính tương lai của Bitcoin: Đó là làm thế nào gia tăng số lượng các giao dịch mạng lưới Bitcoin có thể xử lý ở bất kỳ thời điểm nào? Cuộc chia tách gần đây biến Bitcoin thành Bitcoin và Bitcoin-Cash là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Bitmain là một trong những hãng ký kết "Thỏa thuận New York" kêu gọi nhân đôi kích thước mỗi block theo đề xuất của Segwit2x. Một số người xem đây như một rủi ro kỹ thuật, và đầy tính triết học bởi vì nó tập trung quyền lực vào tay của các thợ mỏ - như Bitmain.

6 tháng để tạo ra con chip chuyên biệt

Nhiệm vụ đầu tiên khi tạo ra Bitmain của chuyên gia thiết kế chip người Trung Quốc, Micree Zhan, nhà đồng sáng lập nên Bitmain là thiết kế một chip ASIC để chạy SHA-256, phép tính mã hóa được sử dụng trong Bitcoin, với hiệu quả tối đa. Việc các chip ASIC cho Bitcoin phát triển đã thúc đẩy cuộc đua dành ra sức mạnh xử lý ngày càng lớn hơn cho việc đào Bitcoin.

"Ban đầu, nó rất khó khăn cho Micree Zhan," Jihan Wu (nhà đồng sáng lập Bitmain) cho biết. "Anh ấy than phiền rằng điều đó là không thể" để tạo ra một chip ASIC cho Bitcoin. Nhưng Zhan đã hoàn thành công việc đó với một tốc độ kỷ lục, chỉ 6 tháng từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm.

Thời gian là rất quan trọng, bởi vì giá Bitcoin biến động quá mạnh mẽ, nghĩa là Bitmain có thể bỏ lỡ cơ hội cả đời có một để kiếm lợi nhuận. Những đối thủ khác đã bắt đầu có mặt: những nhà sản xuất dựa trên ASIC đầu tiên như ASICMiner và Butterfly Labs đã gọi vốn đám đông cho dự án của họ từ năm 2012 để tạo ra những con chip ASIC cho Bitcoin thế hệ đầu tiên.

Vào tháng 11 năm 2013, dàn máy đào đầu tiên của Zhan, bộ Antminer S1, đã sẵn sàng và Bitmain gia nhập sân chơi. Việc bán hàng cất cánh. "Chúng tôi có doanh số rất tốt trong cả năm 2014", Wu cho biết. Quả thật, giá Bitcoin đã chạm mốc cao lịch sử - gần 1.200 USD – vào tháng 11/2013, và chỉ suy sụp vài tháng sau đó khi vụ hack tại Mt.Gox của Nhật Bản bị phanh phui.

Đến cuối năm 2014, hậu quả từ vụ sụp đổ Mt.Gox đặt Bitmain vào đường chết. Không ai muốn trả cả núi hóa đơn tiền điện để đào một đồng tiền kỹ thuật số đang giảm giá. "Mức giá giảm xuống quá thấp, và toàn bộ kế hoạch kinh doanh được làm khi mức giá Bitcoin đang tăng cao", Wu cười nhớ lại. "Vì vậy, khi mức giá xuống thấp như vậy, không còn nhiều nhu cầu cho các dàn máy đào Bitcoin của chúng tôi. Cuối năm 2014 đúng là thời điểm khó khăn nhất của chúng tôi".

Lúc này cả Wu và Zhan đều bám chặt lấy nhau. "Lúc đó rất khó khăn," Zhan cho biết. "Tôi nghĩ rằng nếu giá tiếp tục sụt giảm, có lẽ Bitmain sẽ phá sản." Nhưng đến năm 2015, tiền mã hóa cho thấy nó đã xuống đến đáy. Ý tưởng kỹ thuật đằng sau nó – cuốn sổ cái không thể thay đổi, còn được gọi là blockchain – đã tạo nên mối quan tâm ngày càng tăng từ các ngân hàng và những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.

Cùng lúc đó, Zhan bắt đầu nghiên cứu Antminer S5, dàn máy đào thế hệ thứ 5 của Bitmain, có khả năng cải thiện đáng kể hiệu suât tiêu thụ điện năng, cao gấp 3 lần so với S1. Khi mức giá Bitcoin gia tăng, các thợ mỏ bắt đầu quay lại và họ xem Antminer S5 như sự lựa chọn tối ưu của mình. "Con chip đó thật tuyệt vời." Wu cho biết. "Nó đã giúp rất nhiều cho công ty chúng tôi." Theo Zhan, Bitmain thu được 50% lợi nhuận trên sản phẩm.

 Antminer S5 - thiết bị mang lại tên tuổi cho Bitmain

Dàn máy Antminer S5, với con chip BM1384 bên trong, đã làm xoay chuyển vận mệnh của Bitmain. Wu không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận công ty, ngoại trừ việc cho biết rằng nó đang "ở vị thế rất tốt về tài chính." Anh tuyên bố công ty đang có dòng tiền dương, và chiếm hơn 70% thị phần dàn máy đào Bitcoin – cung cấp hiệu quả hơn 70% sức mạnh xử lý trên mạng lưới.

Hãng bán ra hàng trăm ngàn dàn máy Antminer mỗi năm, và các dàn máy đào Bitcoin trở thành nguồn thu nhập chính cho công ty. Năm ngoái, Wu nói với Bloomberg rằng, mỏ Bitcoin ở Ordos tạo ra doanh thu khoảng 250.000 USD mỗi ngày, và anh có dự định đầu tư tới 200 triệu USD để xây dựng các mỏ mới ở Mỹ.

Bitmain chỉ có vài đối thủ cạnh tranh cho Antminer. Bởi vì các nhà sản xuất chip phải phụ thuộc vào việc tăng giá của đồng Bitcoin để bán hàng của mình, vì vậy nhiều người đã không thể trụ lại khi mức giá giảm sâu vào năm 2014 và 2015. Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính của Bitmain là Bitfury, có trụ sở chính tại San Francisco. Hãng cũng có loại chip riêng, bán chúng, và duy trì các mỏ đào ở Georgia, Đông Âu. Họ chiếm khoảng 6% hash rate của Bitcoin trên toàn cầu.

>>> Xem thêm: Giá Altcoin hôm nay (2/3): Rục rịch chạy theo giá Bitcoin

Tin mới lên