Tài chính

Giá dầu rớt mạnh, kịch bản nào cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất?

(VNF) - Quý I/2020, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị sở hữu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - là một trong những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trên sàn chứng khoán với mức lỗ hợp nhất lên đến trên 2.300 tỷ đồng.

Giá dầu rớt mạnh, kịch bản nào cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất?

Giá dầu rớt mạnh, kịch bản nào cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất?

Giá dầu rớt thảm trong quý đầu năm là nguyên nhân chủ yếu khiến BSR thua lỗ. Cụ thể, giá dầu vào cuối quý I/2020 chỉ ở mức 20 USD (giảm 58,9% so với giá trung bình nhập vào) làm giá vốn tăng mạnh, vượt cả doanh thu. Bên cạnh đó, do giá dầu giảm, BSR cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm, sử dụng 148 nghìn thùng dầu/ngày. Trong các năm qua, nhà máy luôn hoạt động ở mức 106% công suất thiết kế.

Tính riêng cho các sản phẩm xăng dầu, sản lượng xăng dầu sản xuất và bán mỗi năm đạt 5-5,5 triệu tấn, chiếm 88-90% tổng sản lượng các sản phẩm, đóng góp từ 28-40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Hoạt động lọc hóa dầu của BSR đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã đưa ra 3 kịch bản kết quả kinh doanh của BSR dựa theo giá dầu.

Kịch bản cơ sở là giá dầu ở mức 30 USD/thùng, PHS dự báo năm 2020, doanh thu của BSR sẽ đạt 56.347 tỷ đồng (giảm 45,2% so với năm ngoái). Mức lỗ sau thuế được dự báo 449 tỷ đồng do ảnh hưởng giá dầu giảm và giảm giá hàng tồn kho.

Với kịch bản lạc quan hơn, giá dầu trung bình năm 2020 đạt 40 USD, PHS dự báo năm 2020, doanh thu đạt 86.372 tỷ VND (giảm 16%), lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ VND.

Trong khi đó, với kịch bản kém khả quan là giá dầu chỉ ở mức 20 USD/thùng, PHS dự báo năm 2020, doanh thu của BSR sẽ đạt 47.196 tỷ đồng (giảm 54%). Mức lỗ sau thuế đạt là 655 tỷ đồng do ảnh hưởng giá dầu giảm và giảm giá hàng tồn kho.

PHS cũng lưu ý đến 4 rủi ro mà BSR có thể phải đối mặt.

Thứ nhất là rủi ro biến động giá dầu. Theo công ty chứng khoán này, biến động giá dầu trên thị trường sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của BSR. Giá dầu giảm mạnh làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng tồn kho. Ngoài ra, giá dầu biến động cũng làm chênh lệch giữa giá dầu thô và giá xăng (crack spread) thay đổi, ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán và làm doanh thu BSR biến động.

Thứ hai là rủi ro cạnh tranh. BSR hiện chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ xăng dầu nhập khẩu và cạnh tranh từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Tiếp đó là rủi ro các khoản đầu tư. Hiện khoản tiền 2.735 tỷ đồng của BSR đang bị phong tỏa tại Ocean Bank. Công ty này vẫn được nhận tiền lãi nhưng không được giải ngân khoản tiền trên.

Bên cạnh đó là khoản đầu tư vào Công ty Nhiên liệu sinh học BSR-BF (BSR góp vốn với tỷ lệ 65.54%) đã được trích lập dự phòng 536 tỷ đồng. BSR đang xem xét trích lập giá trị 206 tỷ đồng còn lại. Tại ngày 31/12/2019, lỗ lũy kế của công ty này là 1.109 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 730 tỷ đồng.

Thứ tư là rủi ro chính sách. Hiện Việt Nam vẫn giữ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/2011, xe ô tô lắp ráp hay nhập khẩu phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ đầu năm 2017 và Euro 5 từ năm 2022, trong khi xe mô tô hai bánh phải đạt tiêu chuẩn Euro 3 cũng từ đầu năm 2017.

Tuy nhiên, hiện xăng dầu sản xuất của BSR hiện nay chỉ đạt tiêu chuẩn Euro 2 và Euro 3. Năm 2022 khi dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoàn thành, BSR đủ năng lực để sản xuất đạt tiêu chuẩn Euro 4 và 5. Tuy nhiên, giá thành cao hơn và còn ít dư địa thị trường hơn, BSR rất khó cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Tin mới lên