Diễn đàn VNF

‘Giá điện chỉ có lên chứ không có xuống mà EVN vẫn lỗ’

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói rằng, đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. Hiện nay chi phí của Vietnam Airline đang cao quá, còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ….

‘Giá điện chỉ có lên chứ không có xuống mà EVN vẫn lỗ’

Đại biểu Trịnh Xuân An: ‘Giá điện chỉ có lên chứ không có xuống mà EVN vẫn lỗ’

Giá tăng không hẳn do vấn đề cung cầu

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 18/3, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu vấn đề rằng trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng các bộ, ngành tiếp tục có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu như là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp..., để không xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2023, chỉ số giá CPI chỉ tăng 3,25% tuy nhiên, trong nửa đầu quý I/2024, chỉ số này đã tăng đột biến. "Vì vậy, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân," Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Phớc, trong rổ hàng hóa CPI có 752 loại hàng hóa từ đó hình thành nên các nhóm hàng hóa thực phẩm hay hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, năng lượng. Vì vậy, cần có giải pháp can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp để làm sao cho giá cả hạ xuống.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, điều hành giá cả. Thứ nhất, có thể hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông để giảm lạm phát. Thứ hai là tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cung hàng hóa dồi dào.

Giá cả hàng hóa tăng hay giảm phụ thuộc vào các yếu tố: Chi phí đẩy, cung và cầu. Phải can thiệp được vào ba yếu tố này thì mới điều hành được giá cả.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương đa dạng nguồn cung xăng dầu cả sản xuất trong nước và nhập khẩu ngoài nước để có nguồn cung ổn định. Yếu tố này chiếm 65% - 70% trong việc bình ổn giá xăng dầu.

Yếu tố thứ hai là giảm chi phí định mức, yếu tố này chiếm từ 7% - 11% giá xăng. Và cuối cùng là chi phí thuế chiếm tối đa 29%. Vì vậy, nếu chúng ta tiết giảm được những khoản này nhưng vẫn đảm bảo quan hệ cung cầu thì giá sẽ hạ xuống.

"Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ của chúng ta cũng phải giảm bớt khâu trung gian, để giá giảm bớt giá chênh lệch qua khâu trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý", Bộ trưởng nói.

Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện hóa đơn điện tử đối với các cửa hàng xăng dầu đạt tỷ lệ trên 65%. Việc kết nối hóa đơn điện tử với hệ thống dữ liệu về thuế sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra và nhập vào, từ đó, giảm thiểu vấn đề buôn lậu, ảnh hưởng về giá, Bộ trưởng cho biết.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ quan tâm đến việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay hoặc giá điện. Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu An cho rằng không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…

"Đối với các mặt hàng này đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. Câu chuyện đặt ra là cần giải được bài toán này. Hiện nay chi phí của Vietnam Airline đang cao quá. Còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ…," đại biểu An nhận định.

Đại biểu đặt câu hỏi: "Phải chăng việc tính giá trên cơ sở các văn bản quy định của pháp luật thời gian qua chưa ổn? Việc tính toán đã đảm bảo tính đúng, tính đủ hay chưa?". Với vai trò Bộ quản lý chung về giá, Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra nội dung này để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều quốc gia thực hiện bỏ giá trần

Trả lời ý kiến của Đại biểu An, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên Luật Giá của Việt Nam vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá.

Trong 4 năm gần đây, do đại dịch, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành hàng không cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Với doanh nghiệp hàng không tư nhân, vấn đề quản trị và hạ giá thành để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay là vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hơn ai hết.

Với Vietnam Airlines, hiện nay Ủy ban quản lý vốn, Bộ Giao thông vận tải cũng rất quan tâm, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.

"Đây là một quá trình, Bộ và các cơ quan liên quan cũng đang rất nỗ lực đưa ra giải pháp," Bộ trưởng khẳng định.

Tin mới lên