'Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là mẫu hình của thế hệ những người xưa tử tế'
Bình Yên -
09/11/2017 07:08 (GMT+7)
(VNF) - Nhà sử học Dương Trung Quốc nói cho dù bị đối xử chưa được tương xứng với công sức đóng góp nhưng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô "vẫn là người sống rất đàng hoàng với Nhà nước".
Bên lề Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc đã chia sẻ góc nhìn của ông về cách ứng xử với gia đình ông Trịnh Văn Bô, người từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng trong Tuần lễ Vàng năm 1945.
Theo ông Dương Trung Quốc, câu chuyện của ông bà Trịnh Văn Bô là liên quan đến giai đoạn cách mạng còn cực kỳ khó khăn lúc đó. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn thể người Việt Nam đã sẵn sàng đánh đổi cả tinh thần, tài sản, tính mạng mình để bảo vệ đất nước, bất kể người giàu, người nghèo mà sự kiện Tuần lễ Vàng đã minh chứng cho việc đó.
"Có thể nói, tất cả những người giàu có đó đã đi đến cùng với cách mạng, họ sẵn sàng bỏ lại sau lưng cả tính mạng, cả tài sản, gia nghiệp", ông nói.
Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập dân tộc, theo ông Quốc, đã có sai lầm trong nhận thức và chính sách, theo đó đã không tận dụng được nguồn lực rất mạnh mẽ của tầng lớp công thương đi theo cách mạng khi đó.
"Những luật lệ cải tạo của chúng ta khi đó đã bóp chết những nguồn lực ấy, mà sau này khi có một một lùi thời gian nhìn lại, chúng ta đã xác định đó là sai lầm. Tài sản của họ cũng bị đối xử theo chính sách chung như thế. Vì vậy, nó để lại những dấu ẩn tổn thương về mặt tinh thần không nhỏ", ông Quốc nhận định.
Riêng trường hợp cụ bà Trịnh Văn Bô cho thấy cho dù bị đối xử chưa được tương xứng với công sức đóng góp, chưa được thoả mãn những quyền lợi chính đáng, về căn bản dù có thể vẫn có những bức xúc nhất định, nhưng gia đình họ vẫn là người sống rất đàng hoàng với Nhà nước.
"Tôi cho rằng, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là mẫu hình của thế hệ những người xưa tử tế, họ vẫn giữ được nề nếp, đạo lý và luôn đặt sự hy sinh về vật chất lẫn tinh thần lên trên, hết sức minh bạch", ông nói.
Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong sự kiện Tuần lễ Vàng năm 1945.
Về căn nhà số 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Trịnh Văn Bô, theo quan điểm của đại biểu và là nhà sử học này, cho đến nay về mặt pháp luật cũng vẫn chưa hoàn thiện, chính là điểm để mọi người nhìn vào và đánh giá xem Nhà nước đối xử như thế nào với những người như vậy.
"Tôi không nói đến chuyện hơn 5.000 lượng vàng hay bao nhiêu tài sản họ đã đóng góp, mà riêng việc họ đi cùng cách mạng cho đến ngày hôm nay, đã hy sinh rất nhiều những lợi ích vật chất của mình… với một niềm tin tưởng như vậy, thì cũng chính là một thử thách với chế độ chúng ta. Hãy đáp lại lòng tin, vì nếu ta để làm mất lòng tin, nghĩa là mất tất cả. Câu chuyện này, cuối cùng, chính là chuyện về sự thử thách lòng tin", ông Quốc nói.
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền thành phố Hà Nội cho hay đã trình HĐND TP phương án đặt đổi tên đường phố. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm, cơ quan dân cử của Thủ đô sẽ xem xét thông qua nghị quyết đặt tên cho 20 đường phố mới và điều chỉnh độ dài của 5 tuyến phố.
Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) được đề nghị đặt tên cho một con phố thuộc Quận Cầu Giấy. Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Tang lễ cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, sẽ được cử hành từ 11h15 đến 12h45 ngày 14/11 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, theo nghi thức lễ tang cấp cao do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone