Tiêu điểm

Giá gạo tăng đột biến, Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng ra chỉ thị về xuất khẩu gạo

(VNF) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình, đề xuất Thủ tướng xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới, khi nguồn cung thế giới đang giảm sút và giá gạo đang tăng đột biến.

Giá gạo tăng đột biến, Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng ra chỉ thị về xuất khẩu gạo

Đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo.

Tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới thời gian qua có nhiều biến động liên tục như Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo... El Nino, xâm nhập mặn và hạn hán đang cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ sẽ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan Kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ từ các Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Tờ trình chỉ thị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng; hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.

Các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo; chủ động nắm bắt tình hình, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Ngoài ra, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng gạo, đặc biệt là đối với các thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng kim ngạch và nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành hàng gạo Việt Nam.

Dữ liệu cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tăng đột biến. Cuối tuần qua, giá gạo Việt tăng lên 555-575 USD/ tấn, Thái Lan trên 600 USD, lần lượt tăng 35% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới.

Đây đang là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của gạo Việt Nam.

Theo các thương lái, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam.

Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipiness, Indonesia đều hướng nhập khẩu về thị trường Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin mới lên