Tài chính

Giải mã sàn Việt Nam đỏ lửa trên nền xanh của chứng khoán quốc tế

Với thông tin Mỹ và Trung Quốc vừa tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thị trường chứng khoán quốc tế ngập tràn sắc xanh và chuẩn bị kết thúc một năm 2019 thành công ngoài mong đợi. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam vẫn đang đỏ lửa.

Giải mã sàn Việt Nam đỏ lửa trên nền xanh của chứng khoán quốc tế

Giải mã sàn Việt Nam đỏ lửa trên nền xanh của chứng khoán quốc tế

Bất chấp xung đột thương mại với Trung Quốc, năm 2019, chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, vẫn tăng ấn tượng.

Những thông tin tích cực về thỏa thuận Mỹ - Trung gần đây đã đẩy chứng khoán Mỹ liên tục leo dốc và lập kỷ lục mới.

Bên cạnh đó, theo Keith Lerner, chiến lược gia thị trường tại Truist/SunTrust Advisory Services, phần lớn số liệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang bình ổn và kinh tế Mỹ vẫn vững vàng, thị trường vì vậy cho rằng rủi ro suy thoái đang đi xuống.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 27%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 21% và Nasdaq Composite tăng gần 33%.

Báo cáo gần đây nhất của FactSet cho biết, hệ số giá trên thu nhập (P/E) của S&P 500 hiện tại là 17,8 lần, cao hơn mức trung bình 5 năm (16,6 lần) và 10 năm (14,9 lần).

Các chuyên gia tại Charles Schwab cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và điều kiện cho vay dễ dàng hơn đã hỗ trợ hệ số P/E trong năm 2019.

Thị trường chứng khoán Anh cũng có màn trình diễn khá ấn tượng trong năm 2019.

Đặc biệt, trong bối cảnh tương lai của Brexit đã được sáng tỏ sau kết quả cuộc tổng tuyển cử sớm hôm 12/12, chứng khoán Anh liên tục có những phiên tăng vọt.

Theo Interactive Investor, Brexit là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU năm 2016.

Trên Sàn giao dịch chứng khoán London, chỉ số FTSE 100 đã tăng gần 12%, chỉ số FTSE 250 tăng hơn 24%, chỉ số FTSE 350 tăng gần 14% và chỉ số FTSE All-Share tăng hơn 13% so với đầu năm 2019.

Trong khi đó, Trung Quốc đang trên đà trở thành thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất thế giới năm 2019, dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm lại và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Kể từ đầu năm, chỉ số CSI 300, chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đã tăng hơn 36%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng hơn 22% và chỉ số Shenzhen Component tại Thâm Quyến tăng hơn 42%.

Financial Times cho biết, chỉ tính đến tháng 11, vốn hóa thị trường trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đã tăng thêm khoảng 1.400 tỷ USD, nâng tổng giá trị vốn hóa lên khoảng 6.800 tỷ USD, nhờ vào sự hồi phục niềm tin từ các nhà đầu trong nước và các dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào.

Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, các chỉ số có diễn biến bứt tốc từ đầu năm đến nay và được các nhà đầu từ kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2020.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 20% và chỉ số Topix đo lường giá cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) tăng gần 19% tính từ đầu năm 2019.

“Chứng khoán Nhật từ lâu đã thể hiện xu hướng tuần hoàn và trở thành khả năng của riêng thị trường này khi kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu tăng lên”, các chuyên gia phân tích thuộc Nomura bình luận về sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong năm nay.

Với chứng khoán Hàn Quốc, dù có nhiều biến động và State Street Global Markets đánh giá thấp nhất trong số các thị trường chứng khoán Bắc Á năm nay, nhưng vẫn có diễn biến khởi sắc, đặc biệt trong những phiên gần đây, sau thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Chỉ số KOSPI ghi nhận tăng hơn 9% tính từ đầu năm 2019.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây có chuỗi giảm giá hơn 1 tháng, đóng cửa ngày 18/12 ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

So với cuối năm ngoái, VN-Index tăng 6,5%, đáng chú ý, chỉ số giá của 30 mã vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu sàn HOSE là VN30 chỉ tăng hơn 1,4%.

Vì sao TTCK Việt Nam đi ngược bức tranh khả quan của chứng khoán quốc tế đang là câu hỏi ngỏ.

Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu góc nhìn của một số chuyên gia về câu chuyện thị trường hiện nay.

Tâm lý nhà đầu tư bị tổn thương

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB:

Chỉ số VN-Index đã giảm nhiều từ đỉnh trong năm là 1.030 điểm và giờ vẫn có dấu hiệu điều chỉnh.

Tác động chính là khối ngoại bán ròng kéo dài, tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ.

Điều này ảnh hưởng tới toàn thị trường. Ngoài ra, khối tự doanh ôm cổ phiếu cơ sở phục vụ cho sản phẩm chứng quyền cũng bán ròng. Thông tư 22/2019/TT-NHNN cũng có tác động về mặt tâm lý, khiến dòng cổ phiếu ngân hàng giảm giá.

Dồn dập các yếu tố trên xảy ra, nên tâm lý nhà đầu tư bị tổn thương.

Hiện tại, áp lực bán đã giảm, chỉ số về vùng 950 điểm, nhưng thanh khoản vẫn còn yếu.

Động thái bán ròng của nước ngoài chưa có tín hiệu chấm dứt, ngay tuần trước vẫn bán ròng hơn 600 tỷ đồng.

Trong kịch bản xấu nhất, VN-Index về khoảng 930 - 940 điểm

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS):

Có thể do sắp tới ngày tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nên thị trường chứng khoán trong những phiên vừa qua bị ảnh hưởng. Trong tuần này, giao dịch khối ngoại đã cân bằng hơn.

Tuy nhiên, họ bán ròng khá mạnh cổ phiếu VHM, DXG, chỉ gần 1 tuần trở lại đây bán 400 - 500 tỷ đồng.

Phiên 18/12, thị trường vẫn giảm điểm do dòng tiền đầu cơ rút ra khỏi nhóm cổ phiếu nhỏ (penny), sau khi chảy vào tương đối mạnh khoảng 1 tháng trước đó, bởi nhà đầu tư khi trú ẩn trong nhóm penny thì mang tính ngắn hạn nhiều hơn.

Dòng tiền vào nhóm penny thường sử dụng ký quỹ (margin), nên một số mã giảm giá sẽ ảnh hưởng đến những mã còn lại. Trong vài phiên gần đây, không ít cổ phiếu penny giảm giá sàn, tạo hiệu ứng lan truyền.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang quay trở lại, tập trung vào các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như BID, CTG. Tôi cho rằng, đây sẽ là nhóm dẫn dắt chính trong thời gian tới.

Cuối năm nay, trong kịch bản xấu nhất, VN-Index về khoảng 930 - 940 điểm, vùng giá này rất đẹp để tích lũy và đầu năm 2020, tình hình sẽ tốt lên.

Theo đó, đây là cơ hội để các nhà đầu tư túc tắc gom hàng tốt đã giảm giá nhiều. Quan điểm tôi, nếu đầu tư dài hạn thì không có gì phải lo, thị trường càng giảm, càng có cơ hội mua “hàng tốt giảm giá”. 

Thị trường Việt Nam chưa chắc rẻ so với thị trường Ấn Độ hay Trung Quốc

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

TTCK tại khu vực Đông Bắc Á đang lên, nhất là kể từ khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đạt được ở giai đoạn 1.

Còn TTCK tại khu Đông Nam Á đi xuống, trong đó Việt Nam cũng trong đà rơi. Khó để nói lý do của diễn biến trái chiều này là gì.

Có thể hiểu rằng, sự lo ngại rủi ro của nhà đầu tư không còn và từ đầu năm, khi các thị trường lớn giảm điểm do yếu tố thương chiến Mỹ - Trung thì đa phần ở thị trường Đông Bắc Á có mức định giá thấp hơn các thị trường Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn đầu năm không giảm như nhiều thị trường khác, dòng tiền này kỳ vọng, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang thì các thị trường Đông Nam Á sẽ hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Dòng tiền cũng đã rút ra khỏi thị trường Trung Quốc và chảy vào các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam…

Trước đó, năm 2018, các thị trường Đông Nam Á đã hưởng lợi từ thương chiến và đầu năm 2019 cũng vậy.

Do đó, khi mức độ căng thẳng thăng mại giảm đi, đây có thể trở thành lý do khiến chứng khoán khu vực Đông Nam Á điều chỉnh. Các nhà máy ở Trung Quốc cũng giảm áp lực phải di dời nhà máy.

Dù nhiều ý kiến cho rằng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ, nhưng so sánh mặt bằng chung với các thị trường khác như Ấn Độ, hay Trung Quốc… thì chưa chắc.

Khi rủi ro tạm qua đi, dòng tiền trước đây e ngại chảy vào các thị trường này thì nay nhìn thấy cơ hội, một số quỹ đầu cơ lập tức cơ cấu danh mục. Vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Thái Lan, Philipines, Indonesia…

Điểm cần chú ý nữa là gần đây, USD giảm mạnh nên đồng nội tệ tại các thị trường Đông Nam Á mạnh lên như VND, Bath Thái.

Theo đó, các doanh nghiệp FDI, hay các quỹ offshore - quỹ ngoại huy động vốn nước ngoài sẽ gặp bất lợi, còn các quỹ onshore - quỹ nội huy động vốn trong nước có lợi.

Tin mới lên