Tiêu điểm

'Giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại từ lâu gây cản trở doanh nghiệp'

(VNF) - Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều 11/10.

'Giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại từ lâu gây cản trở doanh nghiệp'

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

'Việt Nam xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp vươn tầm khu vực và thế giới'

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết với việc xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp chính thức như hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

Cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cũng có bước tiến rõ nét. 

"Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Tiêu biểu có: THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk, Lộc Trời, Thái Bình Shoes (TBS), Tổng công ty Kinh Bắc...", Chủ tịch VCCI nói.

Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công báo cáo nhanh một vài tâm tư, nguyện vọng chính của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong đó, mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.

Các doanh nghiệp mong muốn và đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi…

Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ, cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều 11/10.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, trật tự xã hội để cộng đồng yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển".

Thủ tướng cũng cho biết sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp...

Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Tin mới lên