Tiêu điểm

Tám dự án BOT cần hỗ trợ 10.342 tỷ đồng để xử lý: Bộ Giao thông lần đầu nhận trách nhiệm

Trong 54 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang quản lý, có 8 dự án gặp khó khăn, cần Nhà nước hỗ trợ khoảng 10.342 tỷ đồng để xử lý dứt điểm. Để xảy ra tình trạng này, Bộ GTVT thừa nhận có một phần trách nhiệm trong khâu chuẩn bị dự án.

Trong 54 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang quản lý, có 8 dự án gặp khó khăn, cần Nhà nước hỗ trợ khoảng 10.342 tỷ đồng để xử lý dứt điểm. Để xảy ra tình trạng này, Bộ GTVT thừa nhận có một phần trách nhiệm trong khâu chuẩn bị dự án.

Thừa ủy quyền của thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa báo cáo Quốc hội về một số nội dung chất vấn, giám sát lĩnh vực giao thông vận tải.

Liên quan tới xử lý những bất cập, vướng mắc dự án BOT thời gian qua, Bộ GTVT cho biết, sau khi rà soát, đã chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm và một số giải pháp báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, sau khi đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng và áp dụng một số giải pháp, vẫn còn 8 dự án BOT gặp khó khăn, khó giải quyết, cần sử dụng ngân sách nhà nước.

Còn 8 dự án gặp khó cần ngân sách để xử lý dứt điểm. (Ảnh: H.Việt)

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thời gian qua, các dự án BOT do bộ quản lý tiếp khoảng 131 đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thực hiện giám sát nội dung này.

Kết luận của các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán cho thấy, những dự án BOT giao thông cơ bản được triển khai đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục; phát huy hiệu quả tốt khi khai thác; chưa phát hiện sai phạm, thất thoát, lãng phí trong triển khai dự án BOT giao thông.

Dù vậy, các dự án BOT còn một số tồn tại, hạn chế, sai sót trong quá trình thực hiện, như trong thiết kế, lập tổng mức đầu tư, dự toán; sụt giảm doanh thu; vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý…

Về trách nhiệm, kết luận thanh kiểm tra, kiểm toán, giám sát chỉ ra, một số cơ quan chưa kịp thời tổng kết, sửa đổi quy định về phương thức đầu tư BOT, đặc biệt là về mức phí, chia sẻ rủi ro, tham vấn người dân. Các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm chính việc chưa đánh giá hết bất cập vị trí đặt trạm thu phí, nhu cầu vận tải. Nhà đầu tư, ngân hàng chưa phân tích, đánh giá đầy đủ rủi ro dự án.

“Bộ GTVT có trách nhiệm với những tồn tại, khi chuẩn bị dự án chưa đánh giá hết bất cập về vị trí đặt trạm thu phí; chưa lường hết những tác động tới người dân, người sử dụng dịch vụ; chưa kịp thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong triển khai dự án BOT”, lãnh đạo Bộ GTVT dẫn các kết luận.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc, khẩn trương khắc phục, xử lý vướng mắc; kiểm điểm với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.

Việc triển khai dự án BOT gặp khó khăn vướng mắc do: tại thời điểm triển khai dự án BOT giao thông, cơ sở pháp lý cho phương thức đầu tư này chưa hoàn thiện; quy định lúc này chưa quy định tham vấn người dân vị trí đặt trạm thu phí; việc thu phí theo lượt (thu phí hở) nên chưa công bằng với tất cả phương tiện...

Về giải pháp giải quyết 8 dự án BOT giao thông gặp khó khăn, Bộ GTVT cho biết sau khi rà soát, đề xuất giải pháp, đã hoàn thành lấy ý kiến bộ, ngành liên quan và báo cáo Chính phủ trong tháng 9 vừa qua.

Hiện tại, Bộ GTVT quản lý 54 dự án BOT giao thông, trong đó có 45 dự án thu phí đạt từ 50% mức dự kiến trở lên. Trong 9 dự án doanh thu dưới 50% mức dự kiến, có 4 dự án thu phí đạt dưới 30% kế hoạch.

Các dự án BOT còn khó khăn chủ yếu do vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý. Cụ thể, một số dự án BOT có trạm thu phí đặt trên đường hiện hữu nhưng thu phí hoàn vốn cho cả tuyến mới và nâng cấp tuyến đã có, hoặc trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Các dự án BOT này đã được điều chỉnh cho phù hợp và ổn định thu phí (BOT QL6, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, QL5, cầu Tân Đệ, cầu Rác, trạm Nam Hải Vân, Cai Lậy…).

Tuy nhiên, còn 6 trạm thu phí đặt ở vị trí không phù hợp hoặc doanh thu thu phí thấp, cần Nhà nước bổ sung vốn để xử lý (thanh toán chi phí đầu tư, vốn vay và dừng thu phí tại 5 dự án: dự án thu phí tuyến đường tránh TP. Thanh Hóa; dự án thu phí cầu đường sắt Bình Lợi; nâng cấp QL3 (Thái Nguyên); dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cải tạo QL91 TP. Cần Thơ)

Dùng ngân sách nhà nước đầu tư vào dự án (tối đa 49% tổng vốn đầu tư dự án), sau đó điều chỉnh hợp đồng BOT và tiếp tục thu phí, gồm: cầu Ba Vì - Việt Trì (nối Hà Nội - Phú Thọ), cầu Thái Hà (nối Hà Nam - Thái Bình); thay quyền thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan cho dự án hầm Đèo Cả.

Bộ GTVT tính toán, tổng mức vốn nhà nước cần có để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT nói trên khoảng 10.342 tỷ đồng.

Trước đó, Quốc hội giao Chính phủ hoàn thành xử lý các dự án BOT còn bất cập trong năm 2022, nhưng thực tế không hoàn thành đúng thời hạn này. Bộ GTVT cho rằng, việc rà soát, tổng kết, đánh giá, đàm phán giải quyết khó khăn tại các dự án cần cẩn trọng, nên mất nhiều thời gian.

Tin mới lên