Ngân hàng

Giao dịch từ 300 triệu trở lên phải báo cáo: Thông tin gây nhiều lo lắng

(VNF) - Nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân về giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN. Nhiều tổ chức kiến nghị NHNN nên nâng mức giá trị giao dịch phải báo cáo lên cao hơn mức cũ.

Giao dịch từ 300 triệu trở lên phải báo cáo: Thông tin gây nhiều lo lắng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN, theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền.

Cụ thể, mức giá trị giao dịch phải báo cáo NHNN là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Dự thảo này đã nhận được ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân. Theo đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thanh toán đồng ý với dự thảo.

Tuy nhiên, một số tổ chức cũng có thêm những ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vì định mức 300 triệu đã được áp dụng từ năm 2013. Đến nay, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần.

Đồng quan điểm, Bộ Công an đề nghị NHNN nghiên cứu đưa ra mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay vì 10 năm qua đã có sự phát triển kinh tế, xã hội rất lớn.

Tương tự, Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định số 20/2013/QĐ - TTg đã được ban hành cách đây gần 10 năm. Đến nay, tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) khuyến nghị ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) và cũng không khuyến nghị cụ thể đây là mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hay nhiều lần trong một ngày của khách hàng.

Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc định lượng một mức giao dịch phải báo cáo sát hơn nữa so với mức khuyến nghị của FATF và nên là mức cho một lần giao dịch trong ngày. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi, hiệu quả, dễ thực hiện của của quy định, đối với các giao dịch được thực hiện nhiều lần trong một ngày của khách hàng gần với mức giao dịch lớn phải báo cáo nên được quy định thuộc nhóm giao dịch lớn bất thường, phức tạp mà đối tượng báo cáo phải thực hiện giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Trong khi đó, Ngân hàng An Bình nêu ý kiến: Dự thảo đặt ra mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay. Thực tế việc đặt ra một ngưỡng giá trị giao dịch để thực hiện báo cáo liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền là hoàn toàn phù hợp. Nhưng với mức giá trị là 300 triệu đồng thì so với hiện trạng sự phát triển kinh tế hiện nay, mức này chưa hoàn toàn phù hợp.

Ngân hàng An Bình đề xuất 2 phương án. Một là nâng cao hơn nữa mức giá trị giao dịch phải báo cáo để phản ánh đúng bản
chất cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Hai là không quy định nội dung này. Đối tượng báo cáo sẽ thực hiện báo cáo đối với những giao dịch có yếu tố đáng ngờ khi thực hiện đánh giá, nhận biết khách hàng và giao dịch.

Còn Ngân hàng DBS TP.HCM kiến nghị mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân và 500 triệu đồng đối với khách hàng tổ chức.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu cũng kiến nghị mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 375 triệu đồng.

Trong khi Ngân hàng Taipei Fubon đề nghị xem xét quy định mức giá trị giao dịch khác nhau tùy theo loại hình khách hàng (cá nhân, tổ chức) và quy mô khách hàng (khác hàng lớn, khách hàng vừa và nhỏ…).

Tin mới lên