Giao thông tuần qua: Gia hạn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thu phí không dừng tiếp tục 'dừng'
Chí Bình -
13/12/2020 08:17 (GMT+7)
(VNF) - Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được phép gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 31/3/2021; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất chưa thu phí không dừng nhiều trạm BOT... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.
Gia hạn thời gian thực hiện dự án Cát Linh – Hà Đông
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 10137/VPCP – QHQT gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay bổ sung như kiến nghị của Bộ GTVT. Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.
Vào tháng 10/2020, Bộ GTVT đã công văn số 11719/BGTVT – KHĐT xin Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 20/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/3/2021 và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ bổ sung đến ngày 28/12/2022.
Dự án đường sắt đô có chiều dài 13,05 km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông, đường đôi, khổ 1.435mm, khổ giới hạn tĩnh không 7,8m. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao (bao gồm 2 ga trung chuyển là Cát Linh và Đại học Quốc gia). (Xem thêm)
Dự án thu phí không dừng lại tiếp tục 'dừng'
Bộ GTVT vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ liên quan tiến độ thực hiện dự án thu phí điện tử không dừng (ETC).
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hệ thống thu phí ETC giai đoạn 1 gồm 44 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc. Hiện có 40/44 trạm đã vận hành hệ thống ETC; 4 trạm thu phí chưa triển khai thuộc 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Hệ thống ETC giai đoạn 2 do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) cung cấp dịch vụ ETC trên 33 trạm thu phí. Đến nay nhà đầu tư ETC đã cam kết hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại toàn bộ 25 trạm thu phí đủ điều kiện triển khai.
Đáng chú ý, Bộ GTVT cho biết có 8 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan có thẩm quyền có tính chất đặc thù dẫn đến không thể triển khai hoặc phải lùi thời gian triển khai hệ thống ETC sau năm 2020.
Cụ thể, báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ trong 8 trạm thu phí nêu trên có 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà); 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - Quốc lộ 3 và trạm T2 - Quốc lộ 91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm Quốc lộ 51).
Bộ GTVT cho rằng việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc. (Xem thêm)
Thủ tướng giao Bộ GTVT triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hơn 19.000 tỷ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn I).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn I) theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, rà soát, cập nhật nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư theo phương thức PPP và pháp luật có liên quan.
Trước đó, vào hồi tháng 10/2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I.
Dự án có chiều dài 53,7km với điểm đầu kết nối tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa (Quốc lộ 56), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai 34,2km và qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 19,5km.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư dự án giai đoạn I theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, trong đó đoạn Biên Hòa – Long Thành có quy mô 4 làn xe; đoạn Long Thành – Tân Hiệp (nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) có quy mô 6 làn xe; đoạn Tân Hiệp – Phú Mỹ (nút giao với đoạn nhánh nối ra cảng Cái Mép – Thị Vải) có quy mô 6 làn xe; đoạn Phú Mỹ - nút giao Quốc lộ 56 có quy mô 4 làn xe.
Theo tính toán sơ bộ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I có tổng mức đầu tư là 19.012 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 9.115 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 5.985 tỷ đồng… (Xem thêm)
Tài xế Grab tắt ứng dụng, diễu hành phản đối tăng chiết khấu
Ngày 7/12, hàng trăm tài xế Grab đã tập trung phía bên ngoài tòa nhà trụ sở Grab trên đường Duy Tân, Hà Nội để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế giá trị gia tăng trên mỗi cuốc xe.
Cụ thể, Grab Việt Nam cho biết Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi.
Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Doanh nghiệp này cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.
Grab cho biết, sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng ngày 5/12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.
Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.
Grab đồng thời sẽ tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5/12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Mức tăng mới này vấp phải sự không đồng tình của rất nhiều tài xế công nghệ. Họ đã tập trung trước tòa nhà trụ sở Grab trên đường Duy Tân để phản đối mức tăng tỉ lệ khấu trừ mới.
Tại TP. HCM, các tài xế Grab cũng tập trung tại nhà văn hóa phường Tân Phong (quận 7) để gặp mặt đại diện hãng, đối thoại về vấn đề tăng phí khấu trừ cho mỗi cuốc xe. (Xem thêm)
Phó thủ tướng lý giải nguyên nhân chậm xây đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm so với quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Nói về các nguyên nhân bị chậm, Phó thủ tướng cho biết do đặc điểm khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi; thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.
Ngoài ra, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn.
"Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. (Xem thêm)
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone