Bất động sản

Giao thông tuần qua: Hà Nội muốn làm tuyến metro hơn 65.000 tỷ, sắp khởi công 3 dự án trên cao tốc Bắc - Nam

(VNF) - Hà Nội lên kế hoạch xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc 65.000 tỷ đồng; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) "chốt" thời gian khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công; một nhân viên kỹ thuật bị sét đánh tử vong tại sân bay Nội Bài... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Hà Nội muốn làm tuyến metro hơn 65.000 tỷ, sắp khởi công 3 dự án trên cao tốc Bắc - Nam

Hà Nội lên kế hoạch xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc 65.000 tỷ. (Ảnh minh hoạ)

Chốt thời gian khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa phát đi công văn hỏa tốc về việc đảm bảo an ninh an toàn cho buổi lễ khởi công các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai tổ chức đồng loạt 3 lễ khởi công tại các dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63km, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 101km, tổng mức đầu tư 11.603 tỷ đồng. Hai dự án này được thiết kế 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km, tổng mức đầu tư 13.656 tỷ đồng; quy mô 6 làn xe, bề rộng 25m; phân kỳ đầu tư giai đoạn một là 4 làn xe, chiều rộng 17m, tốc độ tối đa 80 km/h. (Xem thêm)

Chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam sau dịch Covid-19

Ngày 25/9, chuyến bay mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam của ngành hàng không Việt Nam sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, đây không chỉ là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam sau dịch Covid-19, mà còn là chuyến bay thí điểm nhằm đánh giá năng lực khai thác, tiếp nhận trở lại khách quốc tế của cả ngành hàng không.

Được biết, để lên chuyến bay này, hành khách đều phải đáp ứng các thủ tục phòng, chống dịch bênh vô cùng nghiêm ngặt, như có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp realtime PCR của cơ quan y tế có thẩm quyền trong vòng 3 ngày trước khởi hành, xác nhận về địa điểm cách ly tại Việt Nam, cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc, khai báo y tế…

Sau chuyến bay, hành khách lại tiếp tục được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Nếu có kết quả dương tính, khách sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để cách ly, chăm sóc theo quy định hiện hành.

Nếu âm tính, khách sẽ được cách ly tại khách sạn đã đăng ký và được xét nghiệm lần hai vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có biểu hiện nghi ngờ... Nếu kết quả xét nghiệm lần hai âm tính, hành khách được phép di chuyển về nơi cư trú, tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đối với phi hành đoàn, toàn bộ thành viên sau khi trở về Việt Nam cũng được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly. Máy bay được phun khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế. (Xem thêm)

Bộ GTVT dự kiến giải ngân xong gần 25.700 tỷ đồng vốn đầu tư công vào cuối tháng 9

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của cơ quan này là khoảng 39.565 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 (6.131,4 tỷ đồng vốn nước ngoài, 29.990,8‬ tỷ đồng vốn trong nước) và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

‬‬Đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản giao chi tiết hết kế hoạch năm 2020 (35.850,5/36.122 tỷ đồng), chỉ còn lại khoảng 271,6 tỷ đồng đang thực hiện thủ tục bổ sung hạn mức kế hoạch trung hạn 2016-2020 để giao bổ sung kế hoạch năm 2020 cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây. Trong đó, vốn nước ngoài đã giao 6.131/6.131 tỷ đồng (100%), vốn trong nước đã giao 29.719/29.846‬ tỷ đồng (99,6%).‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬‬

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã tiến hành rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân chi tiết các tháng cuối năm để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch, cũng như đáp ứng các mốc tiến độ giải ngân yêu cầu (hết tháng 9/2020 giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch, hết tháng 11/2020 giải ngân 85% kế hoạch).

Trên cơ sở rà soát tình hình thực hiện kế hoạch, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 1 đợt cho 12 dự án, với tổng giá trị vốn điều chỉnh là 679 tỷ đồng (các dự án cấp bách như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, một số sự án ODA).

Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung kế hoạch trung hạn để có cơ sở bố trí vốn cho một số dự án cấp bách, có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao như dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Dự kiến tới hết tháng 9/2020, Bộ GTVT sẽ giải ngân được 25.694 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch cả năm (25.694/39.826 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch năm giải ngân được 22.903/36.122 tỷ đồng, đạt 63,4%; vốn kéo dài giải ngân được 2.791/3.704 tỷ đồng, đạt 75,4%. (Xem thêm)

Hà Nội lên kế hoạch xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc 65.000 tỷ

TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc với tổng kinh phí hơn 65.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo quy hoạch, dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc là tuyến metro số 5 tại Hà Nội. Tuyến được bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách đại lộ Thăng Long.

Để triển khai dự án, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga.

Ngoài ra, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).

Theo tờ trình, dự án có tổng chiều dài hơn 37km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Tuyến metro số 5 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, toàn tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao). Dự kiến, tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. (Xem thêm)

Một nhân viên kỹ thuật bị sét đánh tử vong tại sân bay Nội Bài

Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sự việc đáng tiếc nói trên xảy ra vào chiều tối 22/9, thời điểm này Hà Nội đang mưa giông. Nạn nhân là N.V.B (40 tuổi), thợ máy của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO).

“Khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật đối với chuyến bay VN7715 chuẩn bị khởi hành đi Vinh thì trời mưa giông to kèm theo sấm sét, bất ngờ anh N.V.B bị sét đánh trúng. Ngay sau đó, anh B được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi”, ông Phương thông tin.

Theo ông Phương, việc máy bay bị sét đánh trúng hoàn toàn bình thường. Ở Nội Bài cũng từng có các trường hợp sét đánh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhân viên đang làm việc trong sân bay bị sét đánh trúng và tử vong.

Sau khi xảy ra vụ việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm trong ngành quan tâm, thăm hỏi chu đáo và cùng gia quyến lo hậu sự cho thợ máy gặp nạn. (Xem thêm)

Tin mới lên